Chủ động đi tắt đón đầu, Nghệ An kiểm soát tốt cúm gia cầm

Bình luận · 195 Lượt xem

Nghệ An có tổng đàn gia cầm lớn, để hạn chế tối đa nguy cơ dịch cúm gia cầm, tỉnh luôn chủ động nắm bắt, xây dựng kế hoạch, sẵn sàng trong mọi tình huống.

Người chăn nuôi phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với Cúm gia cầm. Ảnh: Việt Khánh. 

Người chăn nuôi phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó với Cúm gia cầm. Ảnh: Việt Khánh

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Bệnh do vi rút gây nên, có khả năng lây lan trên diện rộng cực nhanh, đặc biệt là gây chết 100% gia cầm khi bị nhiễm, nếu lơ là không chủ động phòng bị người chăn nuôi sẽ đối mặt với thiệt hại kinh tế rất lớn.

Nghiêm trọng hơn, cúm gia cầm còn có thể gây chết người. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định một số chủng vi rút như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9 có khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người với tỷ lệ tử vong cao.

Qua khảo sát thực tế, trong 3 năm trở lại đây dịch Cúm gia cầm được ghi nhận tại hơn 40 quốc gia, lãnh thổ, bao gồm Việt Nam. Đáng nói bệnh chuyển biến ngày càng khó lường, thay vì bùng phát vào mùa thu như trước nay cúm gia cầm xuất hiện quanh năm, tốc độ lây lan không phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, thời gian, địa lý nên rất khó ứng phó.

Việt Nam được xem là điểm nóng của vi rút Cúm gia cầm với 3 chủng vi rút A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gây bệnh ở gia cầm. Tình hình thực sự quan ngại khi phát hiện có người nhiễm chủng vi rút nguy hiểm A/H5 sau hơn 8 năm “bặt vô âm tính”, trường hợp trên xảy ra vào ngày 05/10/2022 tại tỉnh Phú Thọ, lũy kế nâng tổng số người nhiễm vi rút Cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, đáng nói 64 người đã tử vong, chiếm đến 50%, con số đáng báo động.

Nghệ An đặc thù đất rộng người đông không tránh khỏi sự xâm nhập của các chủng vi rút độc lực cao. Địa phương này có tổng đàn gia cầm thuộc tốp đầu cả nước (6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 33.600.000 con, tăng 4,54% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chăn nuôi nông hộ chiếm phần đa. Quá trình buôn bán, vận chuyển, giết mổ lại khó kiểm soát, đồng nghĩa gia tăng nguy cơ bùng phát, lây lan ở bất kỳ thời điểm nào.

Ý thức được hậu quả nặng nề có thể xảy đến, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An luôn luôn đi trước một bước, thường xuyên cập nhật, nắm bắt tổng quan diễn biến chung để chủ động tham mưu cấp trên phương án, giải pháp tối ưu.

Trên thực tế, ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 – 2025, dưới sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 về Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025, cùng với đó là hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn sát sườn có tính khả thi cao.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia cầm. Ảnh: Việt Khánh.  

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho gia cầm. Ảnh: Việt Khánh.  

Với loại bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, mỗi công tác tuyên truyền không thôi là chưa đủ, ngược lại phải triển khai các bước thật quyết liệt, đồng bộ trên tinh thần lấy tay chỉ việc. Quá trình làm cần đẩy mạnh tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp nhiễm bệnh, ngay cả những đàn gia cầm ở trạng thái “nghi ngờ” cũng cần được tách riêng biệt để kiểm tra, xét nghiệm.

Song song với đó, cơ quan chuyên môn thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt lấy mẫu giám sát tại các chợ/điểm thu gom, buôn bán gia cầm sống để xử lý ngay từ đầu, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Đặc biệt, phải triển khai tiêm phòng đồng loạt cho gia cầm tại 2 vụ chính (vụ xuân và vụ thu), cũng như tiêm phòng bổ sung khi cần. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng tham mưu tích cực cho UBND tỉnh để cấp vắc xin cho 9 huyện có nguy cơ cao…

Giữa muôn vàn rào cản, thách thức nhưng nhờ biết cách “đi tắt đón đầu”, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã thể hiện vai trò đậm nét xuyên suốt quá trình ứng phó bệnh Cúm gia cầm, nhờ đó sớm khoanh vùng, dập dịch và hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà nông.

Bình luận