5 triệu người dân ĐBSCL thiếu nước sinh hoạt

Bình luận · 98 Lượt xem

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, từ năm 2030 cần phải tính toán đến phương án có đường ống dẫn nước như đường cao tốc Bắc - Nam để đưa nước từ vùng thượng nguồn.

Tình trạng sụt lún đất gia tăng

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), do ảnh hưởng của biến đối khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL đang có xu hướng giảm về trữ lượng và chất lượng.

 

Hiện tại, toàn vùng ĐBSCL có gần 4.000 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Trong đó, số lượng công trình hoạt động bền vững khoảng 2.450 công trình (62%). Đây là vùng có tỷ lệ công trình hoạt động bền vững cao so với trung bình toàn quốc.

 

Các tỉnh Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu có số lượng công trình hoạt động bền vững cao từ 70 - 100%. Số lượng công trình hoạt động tương đối bền vững khoảng 1.350 công trình (35%). Trong đó, các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An có số lượng công trình hoạt động tương đối bền vững cao từ 40 - 50%. Số lượng công trình hoạt động kém bền vững khoảng 110 công trình (2,5%).

 

Theo ghi nhận, hiện nay giá nước ngọt vùng ĐBSCL chưa tương ứng với giá thành sản xuất, thấp nhất là 2.000 - 3.000 đồng (tỉnh Long An, Vĩnh Long), cao nhất từ 11.000 - 12.000 đồng (An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh). Đến nay, các tỉnh vẫn chưa ban hành chính sách hỗ trợ giá nước cho các công trình có giá nước thấp so với quy định. Một số tỉnh có nguồn nước mặt khan hiếm, giá nước thô cao, số lượng người dân sử dụng thấp, đơn vị cấp nước gặp khó khăn trong việc quản lý, vận hành công trình.

 

Bên cạnh đó, tình trạng sụt lún đất vùng ĐBSCL gia tăng, trong đó có việc khai thác nước ngầm quá mức. Mỗi năm mức độ sụt lún từ 0,5cm đến 3cm, trong khi đó tỷ lệ nước biển dâng khoảng 0,3cm/năm, dẫn đến ngập nước, ô nhiễm khó kiểm soát.

 

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Bạc Liêu có 115 hệ thống cấp nước tập trung ở nông thôn hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9% và tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt gần 73,3%. Toàn tỉnh có 49/49 xã (đạt 100% xã) đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng NTM.

 

Để đảm bảo chất lượng các mục tiêu nước sạch trong xây dựng NTM, tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ NN-PTNT hỗ trợ Bạc Liêu triển khai thêm 22 công trình cấp nước nông thôn tập trung; hỗ trợ tỉnh xây dựng mô hình thí điểm thu gom, xử lý nước thải nông thôn tập trung thuộc Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

 

Hơn 5 triệu dân thiếu nước sinh hoạt

Theo Cục Thủy lợi, do tác động của biến đối khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn nên nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL đang có xu hướng giảm về trữ lượng và chất lượng. Từ đó, gia tăng nguy cơ thiếu nước ngọt cho sinh hoạt vào mùa khô, đặc biệt các địa phương ven biển; tình hình hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sâu vào đất liền. Hạn hán, xâm nhập mặn năm 2015-2016 và 2019-2020 kéo dài gần 5 tháng, có khoảng 200 công trình cấp nước tập trung bị ảnh hưởng, dẫn đến gần 100.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

 

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, Cà Mau là một trong những địa phương ở cuối nguồn nên rất khó khăn về nguồn nước mặt sinh hoạt, buộc phải khai thác nước ngầm nhưng không phải nơi nào cũng có. Mùa mưa thì nhờ nước trời, còn mùa khô có thời điểm kênh rạch cạn đến mức trẻ con có thể làm nơi đá bóng.

 

Đại diện tỉnh Trà Vinh cho biết, việc đầu tư cấp nước chủ yếu tập trung đi theo tuyến đường giao thông quốc lộ hay tỉnh lộ, nhưng khi đào ống dẫn nước rất phức tạp, tốn kém nhiều chi phí. Nếu từ tỉnh lộ trở xuống do tỉnh quản lý thì xin phép trong vòng 3 ngày xong, còn quốc lộ phải ra tới cơ quan của Bộ Giao thông vận tải xin 3 tháng mới xong.

 

Còn đại tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong tiêu chí của nông thôn mới có việc kiểm kê đánh giá nước mặt. "ĐBSCL nước dưới sông 6h sáng khác, 12h trưa khác thì sao kiểm kê được mà tỉnh nào cũng bỏ mấy tỷ để đạt tiêu chí này. Đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa hoặc bỏ tiêu chí này", đại diện tỉnh Vĩnh Long nêu ý kiến.

 

Măt khác, không được tuyến để ống qua cầu trên quốc lộ, trong khi ĐBSCL đặc thù nhiều sông ngòi chằng chịt, các địa phương có cây cầu bắc ngang phải đầu tư 2 công trình tốn phí lớn, rất khó.

 

Thứ Trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã đưa ra một số nhận định và giải pháp, trong đó về quy hoạch vùng ĐBSCL, có nhiều ý kiến hạn chế xây hồ chứa nước quá lớn. Tuy nhiên, xét về vị trí địa lý, đặc điểm vùng ĐBSCL có nền đất yếu, lún, nếu làm hồ lớn bao nhiêu năm phải gia cố lại và tốn kém hệ thống truyền tải nước, trong khi diện tích đất còn dành cho sản xuất.

 

Thứ trưởng Nam nhận định, xây dựng một số mô hình trữ nước cộng đồng cho từng hộ gia đình, cụm dân cư có sẵn như ao, hồ,… và vấn đề cần quan tâm hiện nay là đầu tư công nghệ xử lý nước đảm bảo đạt chuẩn. Đây là giải pháp về lâu dài để có nguồn nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân miền Tây.

 

“Khai thác nước ngầm khiến ĐBSCL càng ngày càng lún, có nguy cơ bị xâm nhập mặn, vậy sau này lấy nước ngọt ở đâu là vấn đề nan giải, Thứ trưởng Nam đặt vấn đề với các tỉnh ĐBSCL và cho biết từ 2030 trở đi cần phải tính toán đến phương án có đường ống dẫn nước như đường cao tốc Bắc - Nam để đưa nước từ vùng thượng nguồn về”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá.

 

Thứ trưởng Nam yêu cầu các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần ưu tiên ngân sách địa phương kết hợp với ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình cấp nước tại vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước, khu vực bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo.

 

Ưu tiên nguồn lực thực hiện nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước tập trung để đáp ứng tiêu chí số lượng và chất lượng nước cấp. Bố trí kinh phí thường xuyên hàng năm cho việc duy trì thực hiện Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn. Đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư công trình cấp nước trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo đúng tiến độ và mục tiêu của dự án…

 

ĐBSCL nằm ở hạ nguồn bị xâm nhập mặn, trong khi sử dụng nước ngầm là chính nên ảnh hưởng đến tương lai rất nhiều. Hiện nay, dân số ĐBSCL hơn 17 triệu người, nhưng có khoảng 5 triệu người đang thiếu nước sinh hoạt và đến 2030 con số này có thể tăng lên. 

 

Bình luận