Nghịch lý: Giá gạo xuất khẩu liên tục tăng, nhưng doanh nghiệp lại kêu... lỗ

Bình luận · 215 Lượt xem

Mặc dù giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng thời gian qua, doanh thu của các doanh nghiệp ngành gạo tăng trưởng khá cao trong quý II, nhưng do giá vốn và chi phí lãi vay vẫn ở mức cao nên lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh n

Doanh nghiệp gạo kinh doanh ảm đạm dù giá liên tục tăng

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2023 cả nước xuất khẩu 660.738 tấn gạo, tương đương 362,66 triệu USD, giá trung bình 548,9 USD/tấn, tăng 6,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 0,5% về giá so với tháng 6/2023; so với tháng 7/2022 cũng tăng 13,6% về lượng, tăng 27,3% kim ngạch và tăng 12% về giá.

Tính chung cả 7 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 4,89 triệu tấn, tương đương gần 2,62 tỷ USD, tăng 20,1% về khối lượng, tăng 31,4% về kim ngạch so với 7 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 534,7 USD/tấn, tăng 9,4%.

Gạo xuất khẩu tăng giá liên tục, lợi nhuận doanh nghiệp lại bị bào mòn - Ảnh 1.

Gạo xuất khẩu Việt Nam tăng giá liên tục, tuy nhiên lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành lại bị bào mòn bởi giá vốn và chi phí lãi vay cao.

Gạo xuất khẩu Việt Nam tăng giá liên tục, tuy nhiên lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành lại bị bào mòn bởi giá vốn và chi phí lãi vay cao.

CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Mã: TAR): Trong quý II, doanh thu thuần của TAR đạt 1.615 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng 2,3 lần, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 40% và 272% nên công ty bão lỗ 8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức lãi gần 24 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. 

Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ từ khi lên sàn UPCoM hồi đầu năm 2019. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân thua lỗ chủ yếu do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước và công ty phải thanh lý hủy không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 606 triệu đồng, trong khi cùng kỳ lãi 50,6 tỷ đồng. 

Năm 2023, Trung An đặt kế hoạch doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Với kết quả trên, Trung An đã hoàn thành được 66% mục tiêu doanh thu nhưng mới chỉ đạt được hơn 1% mục tiêu lợi nhuận.

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG): Quý II/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.678 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong kỳ, doanh thu tài chính của LTG đạt 49,4 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ, lãi trong công ty liên doanh, liên kết 326,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Kết quả, LTG lãi sau thuế 424,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44,3 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Lộc Trời ghu nhận doanh thu thuần đạt 6.130,2 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó, doanh thu lương thực – lúa, gạo chiếm phần lớn với 4.220 tỷ đồng, tăng 24,5%. Còn mảng thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống, bao bì ghi nhận doanh thu giảm sút. 

Công ty lãi sau thuế 343 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 145% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, Lộc Trời đã thực hiện được 86% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm là 400 tỷ đồng. 

Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời và các đối tác liên quan đã chấp thuận việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD.

Tổng Công ty Lương thực Miền Nam - CTCP (Mã: Vinafood 2 - VSF): Trong quý II, Vinafood 2 ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.867 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế hơn 9,4 tỷ đồng. 

Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm nay, công ty có doanh thu gần 11.337 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ 9,9 tỷ đồng do giá vốn cao và chi phí bào mòn, mặc dù vậy lợi nhuận vẫn tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước. 

CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Mã: AGM): Doanh thu quý II của AGM sụt giảm tới 88% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 162,3 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lỗ 33,6 tỷ đồng, cao gấp đôi so với mức lỗ cùng kỳ năm trước. 

Tổng cộng, AGM báo lỗ sau 6 tháng đầu năm nay lên 56,6 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần số lỗ 6,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Giải trình của công ty cho biết, dù doanh thu sụt giảm mạnh nhưng nhiều chi phí vẫn gia tăng như lãi vay trong quý II/2023 tăng vọt lên gần 44,3 tỷ đồng, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. 

Những quý gần đây, kết quả kinh doanh của Angimex không mấy tích cực khi lãnh đạo cấp cao của công ty bị khởi tố liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán.

CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Mã NSC): NSC ghi nhận 519 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II và lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng giảm lần lượt 8% và 33% so với cùng kỳ. 

Kết thúc nửa đầu năm 2023, Vinaseed ghi nhận doanh thu đạt 834 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 109 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 38% và 32% kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra . 

Tính đến cuối quý II, Vinaseed có 7 công ty con, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, sản xuất máy nông nghiệp, chế biến nông sản. 

Trong đó, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) do Vinaseed sở hữu 98,92% vốn điều lệ, có trụ sở tại Đồng Tháp, hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, hạt giống cây trồng. Các nhà máy Vinarice hiện có công suất chế biến 100.000 tấn gạo/năm và 50.000 tấn giống/năm.

CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (Mã: AFX): Doanh thu quý II của công ty đạt 587,4 tỷ đồng, tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công ty chỉ đạt lãi sau thuế trong hơn 5 tỷ đồng, giảm đến 70% so với quý II/2022. 

Tổng cộng sau 6 tháng năm nay, doanh thu bán hàng của công ty đạt 921,7 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước nhưng lãi sau thuế lại giảm mạnh đến 50%, xuống còn 9,9 tỷ đồng.

Xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi cả về đơn hàng và giá bán

Câu chuyện lợi nhuận doanh nghiệp đi ngược giá gạo xuất khẩu đã được ghi nhận trước đó khá lâu. VNDirect từng nêu thực trạng, doanh thu của các doanh nghiệp ngành gạo tăng trưởng khá cao nhưng do giá vốn và chi phí lãi vay vẫn ở mức cao nên lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp tiếp tục đi lùi.

Tuy nhiên triển vọng cho ngành này thời gian tới lại được nhiều đơn vị dự đoán khả quan. Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành nông nghiệp vừa công bố, Chứng khoán VnDirect vẫn kỳ vọng 2023 sẽ là một năm thuận lợi cho ngành lúa gạo nhờ giá gạo tăng do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo.

Nhu cầu nhập khẩu tiếp tục tăng do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Hiện Philippines là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Nguồn cung trong nước của Philippines đang ở mức thấp do tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng gạo được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru.

Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á (thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh) có thể ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-2023.

Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ đang tăng lên. Do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022/2023, theo USDA. Bên cạnh đó, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây.

Trong bối cảnh nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong cuối năm 2023.

Gạo xuất khẩu tăng giá liên tục, lợi nhuận doanh nghiệp lại bị bào mòn - Ảnh 2.

Theo quan điểm của VnDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng.

Theo quan điểm của VnDirect, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước sẽ được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam. 

LTG sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, TAR sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Kinh doanh gạo là mảng kinh doanh chính của TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu. 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cung ứng lương thực thực phẩm tại nhiều quốc gia bị đứt gãy, giúp ngành lúa gạo Việt Nam hưởng lợi, đơn hàng tăng. Ngoài Philippines, Trung Quốc và EU cũng đang tăng mạnh nhập hàng chất lượng từ Việt Nam. Các nhà xuất khẩu nói cung đang không đủ cầu nên giá gạo có thể tăng tiếp từ nay tới cuối năm.

Hiện nay, khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo là vấn đề vốn, tín dụng. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam từng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm thu hoạch chính vụ. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn thương nhân tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp.

"Cần tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo, có thể chỉ cần áp dụng trong thời điểm thu hoạch lúa gạo, mùa vụ cao điểm và dựa trên kết quả thẩm định, lịch sử kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chương trình cho vay vốn phù hợp", bà Tâm đề nghị.

Cũng nêu về nhu cầu vốn, ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, cho biết doanh nghiệp lúa gạo được vay vốn trung - dài hạn chưa được nhiều, chủ yếu vốn ngắn hạn để thu mua khi vào vụ. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành nên có chính sách ưu đãi hơn cho đầu tư dài hạn. Vì bản chất nâng cao giá trị lúa gạo nằm ở cả chuỗi giá trị, từ khâu trồng, sản xuất, thu mua đến sấy, bảo quản, chế biến sau thu hoạch. 

Trên cơ sở tính toán ở mức an toàn rất cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định lượng lúa đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác khoảng 29,5 triệu tấn lúa/năm. Như vậy, còn dư khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 7-8 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

Mới đây, USDA cũng đã nâng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2023 lên mức 7,9 triệu tấn, tăng 400 nghìn tấn so với dự báo trước đó và tăng 846 nghìn tấn so với năm 2022. Đây cũng là mức điều chỉnh lớn nhất trong báo cáo tháng này của USDA, cơ quan này đánh giá gạo Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn sau lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ.

Mặc dù triển vọng xuất khẩu gạo cuối năm rất khả quan, nhưng trước biến động khó lường của thị trường các doanh nghiệp được khuyến cáo thận trọng giao dịch.

Theo đó, Bộ Công Thương khuyến cáo trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang biến động, giá thóc trong nước và giá xuất khẩu gạo cũng biến động tương tự, các doanh nghiệp nên thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng.

Bộ Công Thương cũng đề nghị thương nhân duy trì mức dự trữ, lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và đảm bảo an ninh lương thực. Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, nhất là doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt, tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Bình luận