Người Thái bản Lụa làm cà phê thông minh

Bình luận · 98 Lượt xem

Mô hình Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đang hồi sinh những đồi cà phê chè ở bản Lụa (xã Hua La, TP Sơn La).

Những người tiên phong hồi sinh cà phê bản Lụa

Ông Quàng Văn Mẳn, người có hơn 20 năm làm trưởng bản Lụa, xã Hua La, một vùng ven của TP Sơn La dẫn tôi leo lên những đồi cà phê chè (Arabica) bạt ngàn trồng xen với mận hậu, xoài, nhãn…

Vừa đi ông vừa kể, cây cà phê chè đến với cộng đồng người Thái nơi đây từ những năm 1990 khi Công ty Chè – Cà phê và Cây ăn quả Sơn La đưa giống về trồng đại trà, thay thế diện tích trồng sắn, trồng ngô ngày trước.

Được một thời gian thì Công ty giải thể, có người quay trở lại với ngô, với sắn, có người chuyển sang trồng cây ăn quả, riêng bản Lụa vẫn tiếp tục gắn bó với cà phê. Mấy chục hộ dân sống nhờ vào 75ha cà phê, không có nương ngô, ruộng lúa gì. Vậy mà ông Mẳn bảo năm nào cà phê được giá cũng nhiều tiền đấy. Nhà cửa khang trang, vườn tược đàng hoàng, xe cộ, vật dụng sinh hoạt trong gia đình cũng là nhờ hết vào cây cà phê cả.

Tuy nhiên những năm gần đây người trồng cà phê ở Hua La và nhiều vùng cà phê chè khác gặp không ít khó khăn. Ông Mẳn phân trần: Có năm hạn hán, năm khác lại rét đậm, rét hại kéo dài kèm sương muối nên nhiều diện tích cà phê không nở được hoa. Đất canh tác cà phê của Sơn La hầu hết có độ dốc lớn, tình trạng xói mòn và rửa trôi khá nghiêm trọng, cộng với thói quen của bà con thường bón phân đơn, thiếu cân đối nên đất đai nghèo dinh dưỡng mà cây cà phê cũng hay bị cháy lá, rụng quả, hạt lép, bệnh ở rễ ngày càng nhiều… Nguyên trưởng bản Lụa nói như một nhà khoa học. Rồi ông Mẳn chậm rãi: "Cũng may bà con thay đổi kịp thời".

Mô hình điểm Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình điểm Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Hoàng Anh.

Năm 2023, tỉnh Sơn La cử một đội thi tham dự Hội thi Nhà nông đua tài toàn quốc năm 2023 ở tít trong Tây Nguyên. Nhờ thành tích xuất sắc đạt giải nhất của hội thi mà đoàn Sơn La nhận được phần thưởng là một gói giải pháp kỹ thuật canh tác cà phê thông minh trị giá 100 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Ngay sau đó, mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai tại bản Lụa. Ông Quàng Văn Mẳn, Lèo Văn Khé, Lèo Văn Xuấn là 3 hộ tiên phong tham gia với diện tích gần 3ha. Mục tiêu nhằm xây dựng được quy trình canh tác cà phê chè thích ứng với biến đổi khí hậu; ổn định và cải thiện độ phì nhiêu đất; giảm chi phí, giảm phát thải khí nhà kính, tăng thu nhập cho nông dân... “Khác biệt thấy rõ chú à”, cả ông Mẳn, ông Khé và ông Xuấn đều hồ hởi.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, được bổ trợ thêm kiến thức về sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng cách, hiệu quả, được học tập việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà phê..., mấy hộ dân tham gia mô hình ở bản Lụa bắt tay vào công cuộc cải tạo, hồi sinh vườn đồi.

Vườn cà phê chè Arabica ở bản Lụa được hồi sinh. Ảnh: Hoàng Anh. 

Vườn cà phê chè Arabica ở bản Lụa được hồi sinh. Ảnh: Hoàng Anh. 

Cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, cán bộ khuyến nông của tỉnh Sơn La trực tiếp về tư vấn, hướng dẫn bà con các kỹ thuật quản lý dinh dưỡng tổng hợp, phòng trừ sâu bệnh hại cho vườn cà phê chè, kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán... Hàng tuần, hàng tháng, các nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ kỹ thuật ở Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La, Hội Nông dân tỉnh Sơn La và doanh nghiệp đã trực tiếp gặp gỡ bà con bản Lụa, giải đáp thắc mắc về một số vấn đề sử dụng phân bón, thuốc BVTV đúng cách, phòng trừ sâu bệnh hại…

Chỉ sau một thời gian ngắn, 3 khu vườn của ông Mẳn, ông Khé, ông Xuấn đã rất khác so với vườn của các hộ xung quanh.

“Năm nay hạn hán căng lắm, nhiều diện tích cà phê của bà con bị ảnh hưởng nhưng 2,7ha thực hiện mô hình vẫn ngon lành. Sử dụng phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học giúp đất đai giữ được độ ẩm, cây cà phê cũng khỏe hơn. Kết hợp với cắt tỉa cành già cỗi, nhiều cây được hồi sinh, không khác gì trồng mới”, ông Mẳn vui vẻ.

Nguyên Trưởng bản Lụa còn mong mỏi, mô hình này thành công sẽ lan tỏa đến hơn 5.000ha cà phê chè ở TP Sơn La, từ xã Hua La, Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, phường Chiềng An và phường Chiềng Sinh.

Cán bộ khuyến nông Sơn La hướng dẫn bà con tỉa cành cà phê chè ở bản Lụa. Ảnh: Hoàng Anh. 

Cán bộ khuyến nông Sơn La hướng dẫn bà con tỉa cành cà phê chè ở bản Lụa. Ảnh: Hoàng Anh. 

Đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thông tin thêm: Chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023 - 2025 được triển khai từ tháng 6/2023 tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu.

Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng gói kỹ thuật hoàn chỉnh giúp người dân trồng thuần cà phê hoặc trồng cà phê xen sầu riêng, xen hồ tiêu có được kiến thức thực tế, khoa học. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập gắn với tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính

Đưa thương hiệu cà phê Sơn La lên bản đồ thế giới

Với diện tích hơn 20.000ha, sản lượng quả tươi hơn 400.000 tấn/năm, Sơn La là tỉnh có diện tích và sản lượng cà phê Arabica lớn nhất cả nước.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, cà phê Sơn La ngày càng nâng cao chất lượng, sản lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành hàng. Năm 2022, tỉnh Sơn La đã công nhận 2 vùng trồng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong của huyện Mai Sơn với trên 1.500 hộ dân tham gia.

Toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 28.800 tấn cà phê nhân sang thị trường EU, Bắc Mỹ, các nước Trung Đông... với giá trị 82,3 triệu USD. Năm 2023, dự kiến sản lượng xuất khẩu 31.500 tấn, giá trị xuất khẩu ước đạt 83,1 triệu USD.

Cán bộ khuyến nông cộng đồng Sơn La hướng dẫn người Thái ở bản Lụa chăm sóc cà phê chè Arabica. Ảnh: Hoàng Anh.

Cán bộ khuyến nông cộng đồng Sơn La hướng dẫn người Thái ở bản Lụa chăm sóc cà phê chè Arabica. Ảnh: Hoàng Anh.

Hiện Sơn La đã có trên 16.700ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương như cà phê hữu cơ, RA, cà phê 4C... Ngoài mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cũng đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) triển khai Dự án “Xây dựng mô hình tái canh cà phê Arabica, đào tạo nông dân và các hỗ trợ khác về sản xuất cà phê Arabica nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”.

Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay dự án đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 học viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt tỉa tạo hình cây cà phê Arabica tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác cà phê Arabica bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Duy trì tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật theo từng giai đoạn phát triển của cà phê, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cà phê Sơn La.

Trồng xen cà phê chè và mận hậu ở xã Hua La. Ảnh: Hoàng Anh.

Trồng xen cà phê chè và mận hậu ở xã Hua La. Ảnh: Hoàng Anh.

“Cà phê chè giờ đây là cây làm giàu của nông dân Sơn La. Các sản phẩm cà phê chất lượng cao của Sơn La cũng đang từng bước chinh phục các thị trường trên thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu cà phê Sơn La nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trên bản đồ cà phê thế giới”, ông Công Xuân Ngọc khẳng định.

Năm 2013, Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất với chủ đề “Arabica Sơn La - hương vị của núi rừng Tây Bắc” được tổ chức thành công, để lại dấu ấn sâu sắc và củng cố thêm thương hiệu vùng cà phê Arabica lớn nhất cả nước. Mới đây nhất, tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2024 (Vietnam Amazing cup năm 2024) do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tổ chức từ trung tuần tháng 4/2024, tỉnh Sơn La có 6 mẫu, lô hàng cà phê tham gia. Cả 6 mẫu đều đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản với điểm số trung bình từ 81 đến trên 82 điểm.

Bình luận