Chăn nuôi bò là nghề truyền thống của đa số người dân tỉnh Sóc Trăng, với tổng đàn trên 56.000 con. Do mang lại giá trị kinh tế cao, ý thức phòng bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là bệnh viêm da nổi cục được hộ nuôi đặc biệt chú trọng.
Cùng với đó là nhiều biện pháp phòng bệnh đang được ngành chăn nuôi và thú y từ tỉnh đến cơ sở phổ biến rộng rãi đến hộ chăn nuôi, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng sản phẩm từ vật nuôi.
Ngoài các giải pháp tăng cường giám sát chuồng trại chăn nuôi, gần 8.300 lít hóa chất khử trùng cũng được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cung ứng kịp thời để thực hiện vệ sinh, tiêu độc môi trường. Nhờ đó, trong suốt quá trình phát triển chăn nuôi, tỉnh Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục.
Hộ ông Đặng Văn Hoàng ở xã Tân Long, thị xã Ngã Năm có quy mô đàn bò thịt tương đối lớn, lên đến 20 con. Chia sẻ kinh nghiệm, ông Hoàng cho biết, nếu để bệnh viêm da nổi cục phát sinh, bò sẽ chậm lớn, hao tốn thức ăn, việc điều trị cũng rất khó khăn, do đó, quy trình nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học.
Biện pháp phòng bệnh được nông dân này áp dụng là sử dụng lưới che phủ toàn bộ chuồng. Định kỳ hàng tuần, pha thuốc diệt côn trùng như: ruồi, muỗi, kiến… ngăn chặn tối đa nguồn lây truyền từ bên ngoài vào chuồng trại. Nhất là chủ động liên hệ với nhân viên thú y cơ sở để tiêm phòng bệnh cho đàn bò. Riêng bò mới nhập chuồng, ông Hoàng cũng thực hiện cách ly theo phương pháp “cùng vào, cùng ra” để đảm bảo an toàn.
Bệnh viêm da nổi cục hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tăng cường các biện pháp phòng ngừa và tiêm vacxin cho đàn vật nuôi là biện pháp chủ động được các hộ nuôi ở Sóc Trăng thực hiện hiệu quả.
Huyện Thạnh Trị là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục đạt tỷ lệ cao của tỉnh. Cụ thể, trên 6.000 con trâu, bò đã được tiêm phòng, đạt 80% trong tổng đàn của huyện. Phòng NN-PTNT huyện đã xây dựng kế hoạch tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn trâu, bò mới phát sinh và tiêm nhắc lại cho những đàn đã được tiêm sau gần 1 năm.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác kiểm dịch, vận chuyển, kiểm soát giết mổ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán trâu bò không rõ nguồn gốc nhập tỉnh. Hiện tỉnh Sóc Trăng đã bố trí các trạm kiểm dịch cố định trên tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu, thực hiện công tác kiểm dịch gốc, kiểm soát vận chuyển xuất, nhập tỉnh và quá cảnh, đảm bảo ngăn chặn không để trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào tỉnh.
Khác với lo ngại ban đầu khi tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục, đa số hộ nuôi trong tỉnh Sóc Trăng rất chủ động. Khi vật nuôi đến thời gian tiêm phòng, bà con chủ động liên hệ với cơ quan thú y địa phương. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cũng chuẩn bị đầy đủ nguồn lực và vacxin đảm bảo phục vụ công tác phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Văn Mười Hai, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng) thông tin, hộ chăn nuôi có thể liên hệ nhân viên thú y xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thị xã để đăng ký tiêm phòng và được hướng dẫn tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Cơ quan chuyên môn này cũng lưu ý, việc chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh khử trùng tiêu độc để tiêu diệt nguồn truyền bệnh là cần thiết.
Về lâu dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến khích hộ nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Đây là giải pháp căn cơ để phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, hướng đến mục tiêu sản xuất sản phẩm thịt động vật sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Từ năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, hoạt động chăn nuôi của tỉnh Sóc Trăng thuộc nhóm một trong các tỉnh vùng ĐBSCL, theo hướng quy mô trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Kim Anh