Hà Nội: Nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Bình luận · 261 Lượt xem

Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP. Hà Nội phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn được chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn Thành phố.

Kế hoạch nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản nhằm duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân. Nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thủy sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội.

Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đạt chứng nhận an toàn thực phẩm

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025 TP. Hà Nội phấn đấu diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 10%/năm; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 2200 tăng tương ứng 10%/năm và 15%/năm,…

Giai đoạn 2026-2030, duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt - GAP tăng 15%/năm; duy trì 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm sản và thủy sản được chứng nhận CCP, ISO 2200 tăng tương ứng 15%/năm và 20%/năm…

Huy động nguồn lực đảm bảo chất lượng nông lâm thủy sản

Kế hoạch cũng đề ra 7 giải pháp để thực hiện mục tiêu trên. Theo đó, hoàn thiện, thực thi hiệu quả cơ chế chính sách. Lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021-2025.

Phối hợp, huy động các nguồn lực nhà nước và xã hội trong đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản.

Tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tin nông sản được sản xuất trong nước. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông lệ quốc tế. Thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, trong quý III/2023 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố tiếp tục duy trì phát triển, ước tính giá trị tăng thêm tăng 2,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,04 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm quý III ước tính tăng 4,74%, chiếm 0,48 điểm % tăng trưởng GRDP của Thành phố.

Tính chung 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố ước tính tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP.

Trong 9 tháng năm nay, trên địa bàn Thành phố không xuất hiện dịch bệnh lớn, hoạt động tái đàn tiếp tục phát triển, đàn lợn hiện có tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước; đàn gia cầm tăng 2,2%; đàn trâu tăng 2,1%.

Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gieo cấy lúa chất lượng cao; mở rộng diện tích trồng rau, hoa, cây cảnh; tăng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, rau hữu cơ.

Bình luận