PGS.TS Đặng Thị Lụa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I chia sẻ, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (1963-2023), viện đã qua 3 lần đổi tên với chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức tương ứng với từng giai đoạn: Trạm Nghiên cứu cá nước ngọt thuộc Bộ Nông nghiệp (giai đoạn 1963-1977); Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nội địa thuộc Bộ Nông nghiệp, sau đó chuyển thành Bộ Hải sản (giai đoạn 1977-1983); Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ Thủy sản, nay là Bộ NN-PTNT (giai đoạn 1983 đến nay).
Trong giai đoạn đầu, viện tập trung nghiên cứu các đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, đến những năm 1990 mở rộng nghiên cứu các đối tượng nuôi thủy sản nước mặn, lợ. Từ những năm 2000 tới nay, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) của viện mở rộng ra tất cả các lĩnh vực (nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt, lợ, mặn, nước lạnh).
Trên suốt chặng đường đó, viện đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành NTTS như: thành công trong việc lai tạo, chọn giống cá chép với thương hiệu cá chép chọn giống V1, chọn giống cá rô phi vằn, chọn tạo giống hàu theo tính trạng sinh trưởng... Hiện tại, viện bắt đầu mở rộng chương trình chọn giống cá biển với đối tượng là cá chim vây vàng theo tính trạng sinh trưởng nhanh.
Trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh, viện là đơn vị tiên phong đưa đối tượng cá nước lạnh vào Việt Nam, từ đó góp phần hình thành nghề NTTS nước lạnh, tạo sinh kế cho hàng ngàn người dân, đặc biệt là đồng bào khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, viện cũng xây dựng thành công mô hình nuôi cá chim vây vàng khép kín quy mô công nghiệp trên hệ thống lồng HDPE quy mô 200 tấn/năm…
Song song với việc tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở NTTS, địa phương, doanh nghiệp trong nước, viện cũng đang tiếp cận theo hướng mở rộng ra khu vực và quốc tế. Minh chứng là viện đã và đang có các hoạt động hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế, điển hình như tổ chức FAO, NACA, UNDP, NORAD, DANIDA, ACIAR, các Đại sứ quán và tổ chức đến từ Phần Lan, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Hungary, Cuba...
Cũng theo PGS.TS Đặng Thị Lụa, nhờ những đóng góp quan trọng đó, viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ NN-PTNT ghi nhận và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Đơn vị Anh hùng Lao động, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng môi trường Việt Nam, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, trên chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã có những đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của lĩnh vực thủy sản nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung. Đây là nơi nghiên cứu thành công nhiều giống, quy trình công nghệ, công thức thức ăn dinh dưỡng, phương thức nuôi tiên tiến, quan trắc môi trường...
Trong bối cảnh việc đầu tư còn nhiều hạn chế thì những kết quả nghiên cứu khi đưa vào sản xuất thực sự trở thành động lực để lĩnh vực thủy sản phát triển. Bên cạnh đó, sự chủ động trong mở rộng hợp tác quốc tế đã giúp viện tiếp cận được với các công nghệ mới, cách quản lý mới, thị trường mới.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng lưu ý, trong giai đoạn tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức khó lường, nền kinh tế trong nước và thế giới dự báo sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, ngành nông nghiệp phải chuyển mình mạnh mẽ để thực sự trở thành bệ đỡ, trụ đỡ cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang có những bước phát triển như vũ bão. Nếu các viện nghiên cứu cứ mãi loanh quanh với những đề tài không có tính đột phá thì luôn luôn bị chậm chân so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, tình trạng sản xuất, buôn bán giống thủy sản kém chất lượng vẫn còn diễn ra, giống tôm phải nhập khẩu…
Vì vậy, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I phải tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu giống thủy sản để từng bước "mở đường", hình thành ngành công nghiệp giống. Song song đó, phát triển nghiên cứu chuyên sâu công thức thức ăn dinh dưỡng, quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đủ năng lực đáp ứng những yêu cầu của ngành trong tình hình mới.
Đồng thời, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp và người sản xuất theo tinh thần “Nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi”.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Sông Thao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN-PTNT) đã công bố Quyết định tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Quyết định tặng thưởng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho 2 tập thể và 7 cá nhân của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác năm 2021-2022.
Trung Quân