Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ra 24 xã tại Bắc Kạn

Bình luận · 206 Lượt xem

Dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng tại tỉnh Bắc Kạn, 24 xã đã có dịch khiến nhiều nông hộ lao đao, ngành chăn nuôi bị thiệt hại nghiêm trọng.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát ở Lạng Sơn

Công Bằng là xã vùng cao của huyện Pác Nặm, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) cũng đã len lỏi đến những hộ chăn nuôi ở các thôn bản vùng sâu.

 

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, toàn xã đã có 9 hộ chăn nuôi bị DTLCP, với 38 con lợn mắc bệnh. Đáng lưu ý, những hộ có lợn bị bệnh ở xa trung tâm, ít giao thương buôn bán.

 

Ông Dương Thanh Trầm, Chủ tịch UBND xã Công Bằng cho biết, đặc thù người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ vài con nên rất khó kiểm soát dịch.

 

Hiện nay, dịch chỉ có ở duy nhất thôn Nặm Cáp, xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức phòng dịch, cố gắng khống chế không cho dịch lây lan ra các thôn khác.

 

Hiện, xã đang thực hiện 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, xã đang nỗ lực khống chế dịch, sau khi công bố hết dịch sẽ nhanh chóng triển khai 2 dự án này.  

 

Năm 2023, Na Rì là huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn xuất hiện DTLCP, đến nay dịch đã lây lan ra nhiều xã. Từ ổ dịch đầu tiên phát hiện vào cuối tháng 7 ở xã Trần Phú, đến nay toàn huyện đã có 6 xã có DTLCP.

 

Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, trong 6 xã có dịch, hiện nay 3 xã đã công bố hết dịch, 3 xã còn lại còn có lợn chết rải rác, ca lợn bệnh phải tiêu hủy gần nhất là ngày 9/10, tại xã Liêm Thủy. Sau khi được bổ sung nguồn dung dịch phun khử khuẩn, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp, mục tiêu toàn huyện sẽ hết dịch trong tháng tới.

 

Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn, đến thời điểm này toàn tỉnh Bắc Kạn có 24 xã thuộc 6 huyện có DTLCP. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 450 con lợn, khối lượng hơn 15 tấn. Trong số 24 xã này, có 3 xã công bố hết dịch, 2 xã đã qua 21 ngày không phát hiện ca bệnh mới.  

 

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, ngành chuyên môn và các địa phương đang xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, thành tổ các công tác, đội phản ứng nhanh để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

 

“Người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng tiêu diệt các tác truyền bệnh tại khu vực chăn nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi”, ông Huy khuyến cáo.

Tại Bắc Kạn, chăn nuôi lợn quy mô hộ gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong ngành chăn nuôi, đây cũng là nguồn thu nhập thường xuyên của các nông hộ. DTLCP bùng phát khiến cho ngành chăn nuôi tại Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn.

 

Đặc biệt, dịch bệnh khiến một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia có danh mục hỗ trợ chăn nuôi lợn phải tạm dừng hoặc chuyển sang hỗ trợ lĩnh vực khác dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ giải ngân.

 

Ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn) cho biết, xã vừa công bố DTLCP tại thôn Nà Pài. Việc xuất hiện dịch khiến cho xã phải tạm dừng các dự án hỗ trợ chăn nuôi lợn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu dịch được khống chế sớm sẽ tiếp tục thực hiện, nếu dịch lây lan sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, yêu cầu phải giải ngân trong năm 2023.

 

Đàn lợn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 190.000 con, ngoài chăn nuôi nhỏ lẻ, tỉnh Bắc Kạn cũng có hàng chục trang trại của các doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 16 dự án chăn nuôi lợn của 15 doanh nghiệp, hợp tác xã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.800 tỷ đồng. 16 dự án này có quy mô 20.000 lợn nái và 249.000 lợn thịt/năm, đến thời điểm này đã có 8 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động.

 

Ngọc Tú - Quang Linh

 

 

Bình luận