Giảm phát thải là bài toán khó của chăn nuôi

Bình luận · 211 Lượt xem

Ngành chăn nuôi đang đi tìm lời giải cho vấn đề này và đặt mục tiêu thực hiện bằng được, đúng với cam kết của Chính phủ tại COP26.

Đây là những nội dung chính được đề cập tại “Hội nghị về công nghệ chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi, hướng đến giảm phát thải nhà kính” được Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức sáng 12/10. Chương trình được tổ chức tại Hội chợ triển lãm quốc tế Vietstock 2023, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý, các doanh nghiệp FDI và chủ cơ sở chăn nuôi.

 

Chăn nuôi phát triển - vui nhưng nhiều trăn trở

Việt Nam từ một có nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu thực phẩm và đất chật người đông. Đến nay, chúng ta được cả thế giới biết đến với năng lực sản xuất. Theo đó, tổng đàn lợn là 29,1 triệu con (đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn và thứ 6 về sản lượng thịt), thủy cầm đứng thứ 2 thế giới với 103 triệu con, sản lượng thức ăn công nghiệp đạt 21,5 triệu tấn, đứng số 1 khu vực Đông Nam Á…

 

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, với năng lực sản xuất và tốc độ tăng trưởng 4 - 5%, ngành chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

 

“Năm 2022, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 23,7 tỷ USD, chiếm gần 27% giá trị sản xuất nông nghiệp và 5,8% tổng GDP quốc gia. Đặc biệt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho hơn 10 triệu lao động khu vực nông thôn, cung cấp thực phẩm cho khoảng 100 triệu dân và đã có xuất khẩu”, ông Dương Tất Thắng thông tin.

 

Thế nhưng, vui là vậy nhưng ngành chăn nuôi cũng đang đặt ra vô vàn thách thức, nhất là việc đảm bảo an toàn môi trường chung. Chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ còn nhiều, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Mỗi năm chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2 nhưng việc xử lí chất thải chăn nuôi còn chưa hiệu quả.

 

Với số lượng vật nuôi năm 2022 là đàn trâu, bò gần 9 triệu con; đàn lợn gần 25 triệu con và đàn gia cầm 557 triệu con. Ước tính lượng chất thải chăn nuôi là 60 triệu tấn và 302 triệu tấn chất thải lỏng. Trong đó, chỉ tính riêng đàn lợn thì đã chiếm 84% chất thải lỏng.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

 

“Cụ thể, vào năm 2025, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 96,4 triệu tấn và phát thải khí mê tan trong chăn nuôi không vượt quá 16,8 triệu tấn. Đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí metan không vượt quá 77,9 triệu tấn, phát thải khí metan trong chăn nuôi không vượt quá 15,2 triệu tấn”, bà Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Phòng Môi trường và công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi báo cáo.

 

Nhiều địa phương đã quyết liệt trong việc thực hiện giảm lượng phát thải ra môi trường. Chăn nuôi gắn liền với đảm bảo môi trường không chỉ giúp việc phát triển đàn bền vững mà đó còn là cách sản phẩm chăn nuôi đi xa hơn, đáp ứng được các tiêu chí xuất khẩu.

 

Theo bà Hoa, đây cũng là “lửa thử vàng” để các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phát triển mạnh mẽ hoặc tìm cho mình hướng đi khác.

 

 

Giải bài toán khó bằng nhiều cách

Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, bên cạnh giống và thức ăn chăn nuôi thì ứng dụng công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường là 2 chủ đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

 

Hiện, các công ty, chủ trang trại chăn nuôi đang áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi như công nghệ khí sinh học, đệm lót sinh học, ủ phân, công nghệ vi sinh. Mỗi công nghệ có ưu điểm riêng, phù hợp với từng điều kiện và tình hình thực tế của chủ cơ sở chăn nuôi. Thế nhưng, điều này giúp Việt Nam hiện thực hóa cam kết với COP26.

 

Đối với chăn nuôi gia súc lớn và gia cầm, sử dụng đệm lót sinh học được làm bằng nguyên liệu có độ trơ cao (như trấu, mùn cưa, rơm, rạ…) là phương pháp được đánh giá hữu hiệu nhất, giúp giảm phát thải khí metan và bảo vệ môi trường. Đệm lót có thể được trộn với men vi sinh để phân hủy phân, nước tiểu, giảm khí độc và mùi hôi trong chuồng nuôi…

 

Phân chuồng dùng làm đệm lót sinh học sau khi sử dụng được coi là một loại phân bón cho cây trồng không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sản phẩm sạch, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng đất, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn không có rác thải.

 

Trong báo cáo “Chế độ ăn giảm protein”, TS Jae Cheol Kim, Giám đốc Trung tâm Giải pháp kỹ thuật, Tập đoàn CJ Vina Agri Việt Nam cho biết, thức ăn đạm cao sẽ khiến con gia cầm sử dụng nhiều nước hơn, đồng nghĩa với bài thải nước thải ra ngoài nhiều hơn. Do đó, việc xây dựng khẩu phần ăn giảm đạm thô kết hợp với việc bổ sung axit amin thiết yếu được coi là một phương pháp nhiều triển vọng để nâng cao hiệu xuất chăn nuôi gia cầm.

 

Theo TS Kim, tại Hàn Quốc, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn dự đoán rằng, khi giảm 1% đạm thô trong thức ăn chăn nuôi có thể giảm khoảng 360.000 tấn Nitơ Oxit (N2O) được tạo ra trong quá trình phân rã của phân gia súc. Ngoài ra, sự bài thải khí amoniac dự kiến sẽ giảm tới 10%.

 

“Điều này mang lại lợi nhuận kinh tế cho người chăn nuôi cũng như giảm tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một tăng. Giảm thức ăn giàu đạm còn giúp vật nuôi cải thiện sức khỏe đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa”, TS Jae Cheol Kim phân tích.

 

Đây là khuyến cáo không mới tại các nước trên thế giới. Ngược lại, chế độ ăn giảm protein trong chăn nuôi trở thành quy định bắt buộc tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.

 

Theo ông Phan Trọng Vĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tương lai Thông minh Nhật Việt, ở các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, mùi hôi và dịch bệnh là vấn đề mà công ty thường nhận được sự “cầu cứu” nhiều nhất. Nó không chỉ ảnh hưởng đến việc chăn nuôi bền vững mà còn ảnh hưởng đến không gian, không khí xung quanh. Hiện đơn vị cũng đang đồng hành cùng các hộ chăn nuôi trên cả nước ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam.

 

“Môi trường sống được đảm bảo, không còn mùi hôi thì vật nuôi cũng phát triển tốt hơn, không bị nhiều nguy cơ gây bệnh. Kiểm soát vấn đề chất thải được chúng tôi chú trọng ngay từ đầu vào và môi trường sống ban đầu cho vật nuôi. Điều này cũng giúp vậy nuôi ít phải sử dụng kháng sinh cũng như sử dụng nước, đào thải nhiều phân, nước thải ra ngoài môi trường”, ông Phan Trọng Vĩnh trình bày.

 

Theo báo cáo của Cục Thú y, mỗi năm Việt Nam có hơn 73 triệu tấn phân chuồng được thải ra từ tổng đàn chăn nuôi. Hầu hết số chất thải này chưa được tận dụng triệt để hoặc bỏ phí, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp xử lý hợp lý. Một trong những biện pháp hữu hiệu được các công ty, trang trại triển khai khá hiệu quả là sử dụng ấu trùng ruồi lính đen phát triển tốt trên nền phân đã qua xử lý vi sinh.

 

Đặc biệt, tỷ lệ sinh trưởng của ấu trùng tương đối đạt chất lượng. Sau 10 ngày xử lý, phân gà hoàn toàn mất đi mùi đặc trưng và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đây là hướng đi mà các nông hộ hoặc các doanh nghiệp FDI có thể nghĩ tới và sử dụng trong hành trình giảm phát thải.

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng cũng đánh giá cao Hội chợ triển lãm Vietstock. Đây là nơi các nhà quản lý, nhà đầu tư gặp gỡ và mở ra những triển vọng kinh doanh.

 

Nhờ đó, những công nghệ chuồng trại, xử lý chất thải, thức ăn chăn nuôi… được giới thiệu rộng rãi hơn, người chăn nuôi cũng có cái nhìn tổng quát về các công nghệ chuồng trại hiện đại của các nước trên thế giới.

 

Về mặt quản lý, theo ông Thắng, Vietstock cũng là dịp để những người tham mưu chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh, đề xuất lên các cấp để phù hợp hơn với tình hình sản xuất.

 

Bình luận