Nông thôn mới tạo nên những miền quê đáng sống ở Điện Biên

Bình luận · 219 Lượt xem

Vượt qua được phần nào khó khăn mang tính đặc thù trong xây dựng nông thôn mới giúp Điện Biên từng bước nâng số xã, số huyện về đích và cũng giúp bức tranh nông thôn vùng cao thêm tươi sáng

Tuy có xuất phát điểm thấp với 3/19 tiêu chí (năm 2011) nhưng xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) đã nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí vào năm 2021 và được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2022.

 

Những bước đi hiệu quả

 

Sín Thầu có nhiều tiêu chí nổi bật như tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%, đường trục thôn bản bê tông hóa đạt 85%; 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35,4 triệu đồng/năm… Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Hà Nhì, H’Mông vùng biên giới Sín Thầu đổi thay rõ rệt.

 

Trước đó, khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, Sín Thầu từng gặp khó khăn trong hoàn thiện tiêu chí về giao thông. Điều này là do các cánh đồng, khu vực sản xuất rải rác, nhỏ lẻ, ruộng thường ở các khe đồi và ven suối nên không thể cứng hóa đường nội đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã vào năm 2018 vẫn còn khoảng 45%.

 

Trước thực trạng trên, xã đã đẩy mạnh dồn đổi ruộng kết hợp với cải tạo, khai hoang để mở rộng diện tích đất sản xuất, bù vào những diện tích phục vụ hạ tầng giao thông. Cán bộ nông nghiệp cũng khuyến khích người dân đưa các giống lúa lai chất lượng cao vào gieo cấy trên diện tích hơn 140 ha, thay thế dần các giống lúa kém chất lượng và giống lúa địa phương. Cây trồng mới như mắc ca được đưa vào trồng thay cho cây ngô hoặc diện tích lúa sản xuất không hiệu quả. Việc nuôi gia súc, gia cầm được áp dụng khoa học kỹ thuật, có chuồng trại thông thoáng.

 

Đến nay, năng suất lúa nước của xã đạt hơn 42 tạ/ha, bình quân lương thực đạt gần 450kg/người/năm. Xã cũng có HTX mắc ca Sín Thầu đang liên kết với doanh nghiệp trồng mắc ca theo chuỗi. Riêng những nông dân làm việc chăm sóc, thu hoạch mắc ca có thể đạt thu nhập 200.000 – 250.000 đồng/ngày công.

 

Bên cạnh đó, từ điều kiện đất đai sẵn có, nhiều hộ mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế trang trại, theo hướng sản xuất hàng hóa nên nâng cao được thu nhập, có điều kiện tham gia cùng địa phương hoàn thiện nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Ngoài Sín Thầu, xã Thanh Chăn cũng là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới. Hiện, Thanh Chăn đang xây dựng nông thôn mới nâng cao sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Những mô hình kinh tế hàng hóa vẫn đang là điểm nhấn giúp địa phương này giữ vững và nâng cao nhiều tiêu chí.

 

Tiêu biểu là việc chuyển đổi sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, rau cần, thủy sản… đang giúp 85% hộ gia đình trong xã thuộc diện khá giả, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5,3%. Trong đó, HTX thủy sản Thanh Chăn đã liên kết với doanh nghiệp để giải quyết bài toán về áp dụng công nghệ và đầu ra cho người dân, đồng thời HTX kết hợp giữa nuôi trồng thủy sản và trồng dứa để nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Làn gió mới từ HTX

 

Theo thống kê, ngoài Thanh Chăn, Sín Thầu, tỉnh Điện Biên đã có 44 số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Các chỉ tiêu, tiêu chí như giao thông; trường học; điện; cơ sở vật chất; văn hóa; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… được tăng lên.

 

Điều này một phần là nhờ tỉnh đã chú trọng phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX, coi đây là một trong những động lực để tái cơ cấu nông nghiệp, hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX đã tích cực chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, tạo ra làn gió mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, từ đó nâng cao cuộc sống và thay đổi cách nghĩ cách làm của người dân.

 

Tiêu biểu như HTX Dâu tây Mường Phăng (Thành phố Điện Biên Phủ) đã triển khai trồng dâu tây kết hợp phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và thúc đẩy chuyển đổi giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Một thành viên HTX cho biết, trước đây, người dân chỉ quen trồng lúa, ngô, sắn…, năng suất và thu nhập không cao. Nhưng trồng dâu tây kết hợp du lịch giúp nguồn thu có thể cao gấp 7-8 lần so với trồng lúa. Cụ thể là với 1.000m2, người dân có thể thu về 60-70 triệu đồng/năm.

 

Còn HTX Gai xanh Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đang phát triển trồng cây gai xanh làm nguyên liệu sản xuất vải cho doanh nghiệp. Hiện, giá vỏ gai khô loại I được bán với giá 34.000 đồng/kg. Theo tính toán, mỗi năm gai xanh sẽ cho thu hoạch từ 4 - 5 vụ, với diện tích 12,5ha, sau khi trừ chi phí, HTX sẽ thu lãi khoảng 11 - 14 triệu đồng/ha.

 

Đặc biệt, nhiều HTX trong tỉnh đang tích cực đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP. Một số sản phẩm OCOP của Điện Biên đã được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng như: Gạo chất lượng cao của các HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, mật ong của HTX Ong mật Điện Biên; bánh khẩu xén của HTX Lay Nưa; bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son của HTX Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông…

 

Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên, cho rằng các HTX, tổ hợp tác mới ra đời đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều HTX do thanh niên làm chủ nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất thuận lợi hơn. Việc thành lập HTX, tổ hợp tác hiện cũng đang tập trung vào các xã xây dựng nông thôn mới, vùng dự án trồng mắc ca nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương hoàn thiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

 

Hiện, Liên minh HTX tỉnh đang tích cực phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX phát triển gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tại một số địa phương, đồng thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các HTX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 

Đẩy nhanh tiến độ

 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Điện Biên đang phấn đấu hết năm 2023 sẽ có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã cơ bản đạt chuẩn.

 

Theo đó, huyện Điện Biên, Thành phố Điện Biên Phủ là hai địa phương có 2 xã Noong Hẹt, Thanh Minh đã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chính vì vậy, các địa phương này đang tích cực tự đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, cũng như các điều kiện khác theo quy định để đề tiến tới thẩm tra, thẩm định, công nhận.

 

Với 12 xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Noong U, Phì Nhừ, Hẹ Muông, Hua Thanh, Na Tông, Hừa Ngài, Mường Tùng, Leng Su Sìn, Ẳng Cang, Chiềng Sinh, Mùn Chung, Mường Đun, tỉnh đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới.

 

Một điểm trong xây dựng nông thôn mới của Điện Biên hiện nay là đến thời điểm này, tại 4 huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa đều chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Điện Biên cho biết, ngoài khó khăn về điều kiện tự nhiên và gặp khó vì nhiều tiêu chí phải huy động sức dân nhưng điều kiện kinh tế của người dân trong các huyện này còn gặp nhiều khó khăn. Đi liền với đó nhiều xã, huyện còn lúng túng trong triển khai các bộ tiêu chí về xây dựng xã nông thôn mới nên chưa mang lại hiệu quả trong thực hiện.

 

“Nhiều xã đang đối mặt với thách thức, như: Thiếu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; thu nhập của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao. Vì vậy, cần hỗ trợ các địa phương thực hiện bài bản, từng bước, có trọng tâm, trọng điểm và đi vào thực chất gắn liền với các chính sách hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy hiệu quả nông thôn mới”, ông Bình nói.

Bình luận