Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị
Khái niệm kinh tế tuần hoàn được đưa ra trong Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Việt Nam đã có lộ trình, định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, thể hiện qua các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang thúc đẩy ứng dụng và triển khai nông nghiệp tuần hoàn và được thể hiện rất rõ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Theo đó, nông nghiệp tuần hoàn là việc áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ và tái chế chất thải, phụ phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí và ô nhiễm môi trường. Điều này cũng giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái sử dụng phụ phẩm và bảo vệ môi trường, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Do đó, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cũng có thể coi là một dạng nông nghiệp sinh thái…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự tham gia và quan tâm của cộng đồng quốc tế, các cơ quan chia sẻ trách nhiệm và đề xuất các kiến nghị nhằm tăng cường triển khai nông nghiệp tuần hoàn. Từ đó, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế và mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không đánh đổi vì lợi ích kinh tế đơn thuần, phát triển kinh tế bền đảm bảo sức khỏe môi trường sinh thái lành mạnh...
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đang bị đe dọa bởi tình trạng suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi phải sớm chuyển đổi mô hình từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế nông nghiệp tuần hoàn để phát triển bền vững trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Tại hội nghị, bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết quốc tế đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), ghi nhận lợi ích của nông nghiệp tuần hoàn vì mục tiêu khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
UNDP tự hào thử nghiệm thành công hộp công cụ kinh tế tuần hoàn - NDC, có thể giúp Việt Nam xác định, ưu tiên, thực hiện và theo dõi các biện pháp can thiệp tuần hoàn trong nông nghiệp góp phần thực hiện NDC 2025. Công cụ này có ý nghĩa đặc biệt với ngành nông nghiệp nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, trồng trọt, chăn nuôi…
Bà Ramla Khalidi cũng kêu gọi tăng cường hợp tác để xây dựng và thực hiện chính sách tuần hoàn, phân bổ đầu tư thỏa đáng, thúc đẩy chia sẻ và hợp tác kiến thức, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tận dụng khoa học công nghệ triển khai các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức…
L.Q.M