Nông dân bảo vệ môi trường

Bình luận · 94 Lượt xem

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, đồng thời, cũng là tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, chất lượng sống của người nông dân. Cù

Sau 2 năm thực hiện Chương trình “Đổi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy quà tặng”, nông dân TP Đà Lạt đã hình thành được ý thức thu gom các loại rác thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cần xử lý theo quy trình riêng như vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao phân bón... để tới cuối tháng đổi lấy các món quà phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp như giày, bao tay, nón. Ông Nguyễn Đức Công - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Lạt cho biết, được sự hỗ trợ của thành phố, của các doanh nghiệp nông nghiệp, Hội Nông dân Đà Lạt đã tổ chức chương trình trong 2 năm liên tục 2022-2023 và đạt được kết quả đáng kể. Hàng vạn tấn rác thải độc hại đã được bà con nông dân thu gom và đem đổi quà, giảm dư chất BVTV rò rỉ ra môi trường. Quan trọng hơn, người nông dân phố núi đã hình thành ý thức thu gom rác thải độc hại, dần từ bỏ thói quen vứt vỏ chai, bao bì thuốc BVTV bừa bãi, nhất là vứt xuống suối gây ô nhiễm môi trường nước, môi trường đất của xứ rau.

 

Không chỉ có Đà Lạt, những mô hình bảo vệ môi trường của người nông dân được phổ biến và triển khai rộng rãi tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Các mô hình phân loại- xử lý rác thải, thu gom bao bì thuốc BVTV, trồng cây xanh che bóng... được tổ chức từ cấp chi hội thôn cho tới xã, huyện. Những con đường hoa trải dài, khoe sắc rực rỡ đã không còn là chuyện hiếm với nông thôn. Đặc biệt, trong trồng trọt, càng ngày nông dân càng có ý thức trong việc canh tác an toàn, hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay vào đó, nông dân Lâm Đồng đã áp dụng trồng cây đa tầng, để cỏ phủ đất, hạn chế độ xói mòn và giảm bốc hơi nước. Đây là một thay đổi lớn của người nông dân, đi ngược lại quan điểm làm cỏ sạch, đất giữ trống của nông dân nhiều năm về trước. 

 

Ông Đa Cát Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, bảo vệ môi trường xanh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, xuyên suốt được Hội đặt ra và liên tục động viên, hỗ trợ hội viên, nông dân tích cực thực hiện. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, với những việc làm thiết thực, hiệu quả như tham gia Mô hình “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Vườn xanh, vườn sạch, vườn không rác”, “Trồng và chăm sóc cây bóng mát đường quê”, “Thu gom rác bao bì, chai, lọ thuốc BVTV”, “Đổi bao bì thuốc BVTV sau sử dụng lấy quà tặng”, “Biến rác thành tiền”... Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Môi trường Trung ương Hội triển khai thực hiện 5 dự án môi trường, trị giá 550 triệu đồng; các cấp Hội xây dựng được 714 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn.

 

Ngay cả các vùng có đông hội viên người dân tộc thiểu số, việc vận động nông dân không chăn nuôi trong sân nhà, dưới sàn cũng đạt kết quả rất tốt, gần như không còn hộ chăn nuôi ở sân nhà, giúp môi trường sạch và an toàn cho con người. Đồng thời, các chính sách tín dụng giúp nông dân tiếp cận với nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn đã nâng cao chất lượng sống của người nông dân, giúp tiêu chí môi trường trong nông thôn mới được giữ gìn. 

 

Tuy nhiên, Hội Nông dân tỉnh xác định, không chỉ xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, nội dung quan trọng là tác động để nông dân ý thức được việc sản xuất đúng sẽ giúp bảo vệ môi trường. Như trồng rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi theo hướng sinh học bền vững, trồng cà phê theo các bộ tiêu chuẩn đều có các yêu cầu rất nghiêm ngặt về môi trường. Khi sản xuất ra nông sản theo các bộ tiêu chuẩn, chất lượng nông sản tăng cao, bán có giá hơn, đồng thời, nông dân phải tuân thủ nghiêm các đòi hỏi về giữ gìn môi trường. Để giúp nông dân thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ tài chính thay đổi máy móc, thay đổi quy mô canh tác được hỗ trợ tới hầu hết nông dân. Ông Đa Cát Vinh chia sẻ: “Thay đổi nhận thức của người nông dân về môi trường không phải là chuyện của một vài năm mà nó là chuyện thay đổi nhận thức lâu dài, hàng chục năm, nhiều chục năm. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng người nông dân để ngày càng xây đắp, giữ gìn môi trường nông thôn, giữ an toàn cho đất đai và xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững

Bình luận