Từ mô hình 'Mặt ruộng không dấu chân' của Lộc Trời

Bình luận · 373 Lượt xem

Những năm gần đây, sự đóng góp to lớn của Tập đoàn Lộc Trời đã giúp cho ngành lúa gạo ở ĐBSCL phát triển vượt bậc, giúp người dân trồng lúa có thể làm giàu.

Kỹ sư nông nghiệp 3 cùng vùng lúa Thoại Sơn - An Giang thăm đồng với nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kỹ sư nông nghiệp 3 cùng vùng lúa Thoại Sơn - An Giang thăm đồng với nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Động lực của nhà đầu tư

An Giang là một trong những tỉnh sản xuất và xuất khẩu lúa, gạo trọng điểm của toàn vùng ĐBSCL và cả nước. An Giang cũng là tỉnh tiên phong trong xây dựng cánh đồng lớn và hiện nay là các mối liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa gạo khá tốt. Qua đó, từng bước khuyến khích, tạo động lực cho nhà đầu tư. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hướng đến sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Cách làm góp phần phát triển ngành hàng chủ lực và tăng thu nhập cho người dân trồng lúa.

Từ năm 2021-2023, tỉnh có 63 HTX, 2 liên hiệp HTX và 180 tổ hợp tác thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với các tổ chức, doanh nghiệp khoảng 300.000 ha. Trong đó, nhiều HTX có thành viên tham gia quản lý, điều hành.

Trước tiên phải kể đến mô hình ứng dụng công nghệ cao “Mặt ruộng không dấu chân”, là mô hình canh tác lúa an toàn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được triển khai đầu tiên tại HTX Bình Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang). Tập đoàn Lộc Trời cam kết mức lợi nhuận của người trồng lúa tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm và được bao tiêu đầu ra. Từ đó mô hình mở rộng diện tích ở các tỉnh ĐBSCL.

Lộc Trời cung cấp dịch vụ máy bay không người lái - drone - chuyên dụng để xử lý mùa vụ tại vùng nguyên liệu lúa giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lộc Trời cung cấp dịch vụ máy bay không người lái - drone - chuyên dụng để xử lý mùa vụ tại vùng nguyên liệu lúa giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng thuốc BVTV. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Nằm trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Lộc Trời, mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” thực hiện sản xuất lúa gắn với ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ đầu vụ đến cuối vụ, giúp tiết kiệm lượng giống sử dụng, giảm lượng phân bón và thuốc hóa học, giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất so với truyền thống từ 20 - 30%, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX – Liên hiệp HTX để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tối ưu lượng thuốc BVTV trong hoạt động mùa vụ, áp dụng 100% cơ giới hóa trên 3.700ha lúa và quyết liệt triển khai mô hình liên kết sản xuất bao lợi nhuận (Lộc Trời 123) cho hơn 200.000 bà con nông dân với diện tích dự kiến 150.000ha ứng dụng công nghệ cao và cơ giới hóa để giảm 30% lượng thuốc BVTV xuống đồng ruộng tại các tỉnh ĐBSCL”, ông Nguyễn Duy Thuận, khẳng định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Thân, Giám đốc Liên hiệp HTX Thoại Sơn phấn khởi  cho biết, Liên hiệp HTX Thoại Sơn mỗi vụ sản xuất hàng trăm hecta, gắn với liên kết mô hình Lộc Trời 123, người nông dân sản xuất lúa được bao tiêu đầu vào là vật tư, đầu ra là hạt lúa và cam kết với nông dân gia tăng lợi nhuận. Trong đó, Lộc Trời cung ứng giống lúa, Liên hiệp HTX cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thu mua lúa... cùng vận hành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Vì vậy nhiều năm liền Liên hiệp HTX Thoại Sơn hoạt động rất hiệu quả, đồng nghĩa nông dân cũng có lãi cao so với sản xuất thông thường ngoài mô hình.

Áp dụng tiến bộ trong sản xuất

Với những nông dân trong HTX, tổ hợp tác liên kết sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời, tiêu chuẩn canh tác lúa gạo bền vững SRP không còn xa lạ. Tuy nhiên, với những nông dân quen kiểu canh tác truyền thống, bộ công cụ thúc đẩy thực hành sản xuất lúa bền vững này có vẻ hơi “vướng”.

Nhằm giúp nông dân có đánh giá trực quan về lợi ích của SRP, Tập đoàn Lộc Trời cùng Trung tâm Khuyến nông An Giang xây dựng mô hình trình diễn tại ruộng lúa của nông dân Lê Văn Phước (ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) trong vụ đông xuân năm 2023 vừa qua.

Trên diện tích 2ha, ông Phước trồng giống lúa OM18 (do Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu, phát triển). Ông được hỗ trợ giống, phân thuốc, được tập huấn quy trình canh tác lúa “1 phải 5 giảm” với các nội dung kỹ thuật chủ yếu như: làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Ông Phước thực hiện quy trình sạ thưa với mật độ 120kg lúa giống/ha. Còn thực hành sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).

Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX – Liên hiệp HTX để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tối ưu lượng thuốc BVTV trong hoạt động mùa vụ, áp dụng mô hình 'Mặt ruộng không dấu chân' 100% cơ giới hóa.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết HTX – Liên hiệp HTX để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tối ưu lượng thuốc BVTV trong hoạt động mùa vụ, áp dụng mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” 100% cơ giới hóa.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau 3 tháng canh tác, ngành khuyến nông tổ chức hội thảo tổng kết mô hình với sự tham gia của trên 60 nông dân cùng các kỹ thuật viên các xã Tà Đảnh, Tân Tuyến, Cô Tô, Núi Tô và thị trấn Tri Tôn. Tham quan trực tiếp mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, nông dân tỏ ra thích thú khi thấy ruộng lúa của ông Lê Văn Phước phát triển tốt mà giảm được chi phí đáng kể. Nhờ sử dụng giống tốt nên cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ, giảm áp lực dịch hại; sử dụng phân bón cân đối, hợp lý nên lúa hạn chế đổ ngã, giảm sâu cuốn lá và các bệnh đạo ôn, cháy bìa lá so với ruộng đối chứng.

Khi áp dụng canh tác theo tiêu chuẩn SRP, ruộng của ông Phước giảm được lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, thất thoát sau thu hoạch mà năng suất vẫn tăng. Nhờ vậy, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 4 triệu đồng/ha.

“Với tiêu chuẩn SRP, tôi quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Chưa kể lúa SRP được doanh nghiệp thu mua giá cao hơn bình thường, ngay việc tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí trong quá trình canh tác đã giúp hiệu quả kinh tế tăng lên khá nhiều. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này”, ông Phước đề xuất.

Lộc Trời tiên phong đào tạo về SRP

Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) đã tổ chức đào tạo “Người hướng dẫn được SRP ủy quyền” (SRP Authorized Trainer) cho 16 nhân sự thuộc ngành Dịch vụ và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch xây dựng 100 người hướng dẫn chuyên nghiệp về SRP của Tập đoàn Lộc Trời để triển khai rộng mô hình SRP thời gian sắp tới.

Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời đã có hàng chục người hướng dẫn chính thức của SRP. Các nhân viên Lộc Trời sau khi hoàn thành khóa học này đã chính thức trở thành người hướng dẫn của SRP, trực tiếp tập huấn cho nông dân tham gia mô hình SRP 100.

Đây chính là lực lượng nòng cốt để triển khai vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN-PTNT đề ra mà Tập đoàn Lộc Trời luôn sẵn sàng đồng hành với định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường và đảm bảo sinh kế cho người nông dân của Việt Nam và thế giới.

Từ 3-4 năm nay, Tập đoàn Lộc Trời luôn muốn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nâng cao việc áp dụng tiêu chuẩn SRP bằng việc triển khai mô hình SRP 100 ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ 3-4 năm nay, Tập đoàn Lộc Trời luôn muốn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nâng cao việc áp dụng tiêu chuẩn SRP bằng việc triển khai mô hình SRP 100 ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

The Sustainable Rice Platform (SRP) là một liên minh đa đối tác toàn cầu, được thành lập vào tháng 12 năm 2011 bởi Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), với mục đích khuyến khích sự phát triển bền vững và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chuỗi giá trị lúa gạo nói riêng. IRRI là đơn vị được SRP ủy thác trách nhiệm đào tạo về tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững (tiêu chuẩn SRP) và các nội dung liên quan khác. 

Tiêu chuẩn SRP cho canh tác lúa bền vững là tiêu chuẩn tự nguyện đầu tiên trên thế giới, bao gồm 41 yêu cầu được tổ chức theo 8 Chủ đề rất quan trọng đảm bảo quy trình canh tác, quản lý đồng ruộng, tiết kiệm nước, đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động…

Với định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Tập đoàn Lộc Trời đã gia nhập SRP vào năm 2015. Từ 3-4 năm nay, Tập đoàn Lộc Trời luôn muốn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL nâng cao việc áp dụng tiêu chuẩn SRP bằng việc triển khai mô hình SRP 100 ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Với sự hỗ trợ toàn diện của Tập đoàn Lộc Trời, 13 nông dân trong mô hình đã đạt 100% tiêu chuẩn SRP và là 13 người đầu tiên trên thế giới đạt thành tích hoàn hảo này. 

Không dừng lại ở đó, trong nhiều mùa vụ qua, các nông dân thực hiện mô hình SRP 100 của Tập đoàn Lộc Trời tại ĐBSCL tiếp tục đạt được thành tích 100 điểm tuyệt đối. Lộc Trời là đơn vị đầu tiên và duy nhất trên thế giới đạt được thành tích này trong 2 năm liên tiếp

Bình luận