PGS.TS Nguyễn Minh Châu: Trồng bơ Hass hay Lamb hass cho xuất khẩu

Bình luận · 204 Lượt xem

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam: Để người Việt Nam ăn được bơ Hass/Lamb hass ngon và để xuất khẩu bơ chính ngạch được, thì ngành bơ Việt Nam cần tổ chức lại.

Diện tích và tỷ lệ của các vùng trồng bơ chính trên thế giới

Đến 2022, tổng diện tích bơ trên thế giới là 491.600 ha (chưa kể các vùng nhỏ khác). Khu vực trồng bơ lớn nhất là các nước Nam Mỹ tới 375.400 ha, chiếm 76% diện tích bơ thế giới gồm Mexico, Peru, Chile, Brazin...

 

Tiếp theo là các nước vùng Địa Trung Hải với 47.000 ha, chiếm 10%. Kế đến là Nam Phi có 31.000 ha, tức 6% bơ thế giới. Hoa Kỳ và Úc mỗi nước chiếm chỉ 4% tổng diện tích, tức tầm 19.500 ha. Hai giống bơ xuất khẩu chủ yếu trên thế giới là Lamb hass và Hass.

 

 

Lịch sử phát triển bơ Hass

Đầu thập niên 1930, ông Rudolph Hass - một bưu tá ở bang California phát hiện được một cây bơ ngon trong vườn của ông trong số các cây được ông gieo từ hạt. Ông đăng ký sở hữu năm 1935 với tên là Hass.

 

Tuy vậy, phải đến thập niên 1970, sau khi được Hội người trồng bơ bang California khuyến cáo thì Hass mới thay thế được giống Fuerte đang trồng phổ biến lúc đó. Hass có độ béo cao hơn hẳn, 20-21% so với Fuerte chỉ được 18%. Cho đến vụ bơ 2005-2006, Hass là giống bơ đã chiếm đa số diện tích ở California, Fuerte và Lamb hass chỉ chiếm vài ba phần trăm diện tích mỗi thứ. 

 

Hass là giống bơ thuộc nhóm ra hoa A. Thích khí hậu lạnh, thích nghi với các vùng lạnh ở Tây Nguyên mà tôi biết rất hợp như Tuy Đức, Di Linh, Đà Lạt, Măng Đen, v.v, nơi nhiệt độ lúc thấp nhất phải đạt <= 15oC, trong thời gian 20 ngày trước trỗ bông. Nếu đạt được yêu cầu này, trái Hass sẽ to như mong muốn là 250-300 gr.

 

 

Nếu không đạt yêu cầu nhiệt độ trên, trái sẽ nhỏ, chỉ đạt =< 200 gr, như khi được trồng ở Buôn Ma Thuột, Đak Mil..., sẽ khó thương mại. Do trồng sai chỗ, nhiều nông dân ở Tây Nguyên đã chặt bỏ cây bơ Hass, vì trái nhỏ khó bán. Người Việt Nam quen ăn trái to rồi, như 034, Tứ Quý, và ăn như món sinh tố bơ thêm sữa, đường. 

 

Nhưng trên thế giới, do có chất lượng ngon, bơ Hass được trồng ở nhiều nước như: Mỹ, Mexico, Peru, Chile, Úc, New Zealand, Israel, Nam Phi..., là giống được thương mại quốc tế lớn. Nó được người Tây Phương ăn như 1 món rau salad, trước khi họ ăn các món chính. Hay chỉ cắt đôi, rắc một ít muối tiêu và nặn chút chanh, ăn cả trái một lần vào buổi ăn sáng. Do vậy mà nhu cầu tiêu dùng bơ Hass/ Lamb hass tăng đến 200.000 ha, trong 7 năm qua.

 

Cuối năm 2015, khi đến thăm vườn ươm Brokaw ở nam California, tôi vẫn thấy họ bán giống bơ Hass, ghép lên gốc ghép Dusa, và nhiều vườn bơ mới lập cũng trồng Hass.

 

Lịch sử phát triển bơ Lamb hass

Theo TS Gary Bender, thuộc Trung tâm Khuyến nông, Đại học California, một chuyên gia cây bơ ở nam California, bắt đầu từ thập niên 1980, các nhà chọn giống bơ của Đại học California đã trồng 1.000 cây bơ Hass nhằm chọn ra dòng Hass tốt nhất. Địa điểm thực hiện là khu vườn mang tên Bob Lamb. Đến năm 1996, họ chọn ra được 1 cây có hình dáng trái tương tự như Hass, nhưng có:  

 

- Kích thước trái to rõ hơn Hass.

 

- Cho rất nhiều trái/ cây hơn Hass.

 

- Trái chín muộn hơn Hass.

 

- Cây có tán gọn hơn, nên có thể trồng dầy hơn. 

 

- Ít nhiễm bù lạch hơn.

 

Cây được chọn ra từ 1.000 cây Hass, Đại học California đặt tên là Lamb hass để ghi nhớ đến gia đình người chủ đất làm thí nghiệm họ Lamb. Cây hass đặc biệt đó được Đại học California đăng ký bản quyền 1996 dưới tên Lamb hass.

 

TS Gary cho biết nhiều người trồng bơ Lamb hass ở vùng bắc California nói Lamb hass cho năng suất cao hơn Hass, tuy giá bán thấp hơn Hass một chút lúc đầu, nhưng lợi tức trên cùng một diện tích thì cao hơn Hass: 8.298 USD và 5.582 USD/ ACRE, theo thứ tự. Nhưng sau đó vài năm thôi, thì giá bán 2 giống đã không còn khác nhau.

 

Do trái Hass nhỏ, chỉ đạt tầm 200 - 250 gr, nên Hass đã được các nước xuất khẩu bơ lớn trên thế giới như: Mexico, Chile, Nam Phi... thay bằng Lamb hass, nhờ Lamb hass có trọng lượng trái to, trung bình 300 - 350 gr. Khi tôi đến nhà đóng gói bơ Calavo, ở Ventura, nam California, thấy họ đang đóng gói trái Lamb hass được nhập từ Mexico. Đến Nam Phi vào nhà đóng gói của công ty Westfalia, năm 2015, tôi cũng thấy chỉ có bơ Lamb hass đang được đóng gói để xuất khẩu. Westfalia và Calavo là 2 thương hiệu lớn về xuất khẩu bơ trên thế giới.

 

Đất nào trồng được Hass/Lamb hass ở Việt Nam

Nhiều nơi ở Việt Nam rất phù hợp để phát triển trồng bơ Lamb hass/ Hass do có nhiệt độ thấp như tôi đã nói trên.

 

Và nhiều nơi khác nữa, nếu cũng nhiệt độ thấp nhất <= 15oC, trong ít nhất 20 ngày trước trỗ bông, như ở một số vùng cao, đất đồi các vùng/ tỉnh phía Bắc: A Lưới – Thừa Thiên Huế, Mộc Châu - Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, các nơi khác có khí hậu lạnh, phù hợp cho việc trồng bơ Lamb hass/ Hass.

 

Bên cạnh yêu cầu về nhiệt độ, thì bơ là cây dễ bị bệnh xì mủ, nên phải thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng ngừa tổng hợp, mà biện pháp quan trọng nhất là chọn đất thoát thủy tốt, dùng gốc ghép kháng xì mủ thân như Duke 7, Dusa ở Mỹ, hay giống Zutano ở Úc.

 

Hiện nay, việc Việt Nam tiếp cận giống gốc ghép Dusa kháng bệnh còn khó do vấn đề bản quyền giống vẫn còn hiệu lực. Còn 2 giống Duke 7, Zutano chống chịu bệnh kém hơn Dusa có thể mua được ở vườn ươm Brokaw, California để làm gốc ghép chống chịu bệnh xì mủ tốt hơn dùng các gốc ghép không biết tên như hiện nay ở Việt Nam.

 

Những lưu ý khác khi trồng bơ xuất khẩu

Muốn bơ có chất lượng cao, phải bón phân đúng cách để trái đạt độ béo cao nhất, và phải thu trái đúng lúc để độ béo của giống đạt đỉnh, như trường hợp của Hass là 20 - 21%. Về bón phân để đạt độ béo cao, tôi đã trình bày qui trình bón phân cho bơ trong các bài viết trước đây. 

 

Kết luận

Đất ở Việt Nam nhiều nơi có thể trồng được bơ Lamb hass/Hass xuất khẩu. 

Hiện tại, các nước xuất khẩu bơ lớn như Mexico (xuất khẩu bơ lớn nhất thế giới), Nam Phi, Mỹ... đều đóng Lamb hass, do trái Lamb hass to hơn Hass, lên kệ hàng thì bắt mắt hơn Hass, nhưng nhìn qua thì y như là Hass.

Còn một số nước xuất khẩu bơ nhỏ hơn các nước trên, như: Isreal , Úc và một phần người Mỹ vẫn thích Hass. 

 

Như vậy, tùy theo ý thích của từng nước, và tính thích nghi của giống với từng địa phương mà chọn Hass/Lamb hass. 

 

Để người Việt Nam ăn được bơ Hass/Lamb hass ngon và để xuất khẩu bơ chính ngạch được, thì ngành bơ Việt Nam cần: Sản xuất cây giống sạch bệnh, với gốc ghép kháng bệnh xì mủ như các nước; trồng đúng cách để hạn chế bệnh xì mủ về sau; bón phân NPK đúng cách và thu hoạch đúng lúc để trái đạt độ béo cao nhất; giám sát chất lượng ở nhà đóng gói nghiêm ngặt; xây dựng các kho đóng gói ở các vùng sản xuất; xây kho ủ chín. Do vậy, ngành này còn rất nhiều việc phải làm, để đạt tới trình độ của các nước đang xuất khẩu bơ như Mexico, Mỹ, Chile, Nam Phi, Úc, Israel...

 

Dù vậy, các việc cần làm sẽ không mất nhiều năm, vì nhiều công ty nước ngoài, có các chuyên gia kinh nghiệm sẵn sàng đến Việt Nam để cùng với các công ty Việt Nam khai thác tiềm năng trồng bơ xuất khẩu ở Việt Nam.

 

Một ngày nào đó không xa, tôi tin sẽ có các hợp tác win - win, và Việt Nam sẽ là nước xuất khẩu bơ như Mexico, Chile, Nam Phi, Peru, Mỹ, Israel... do đất đai của mình nhiều chỗ rất phù hợp để trồng bơ Lamb hass/Hass. 

 

PGS.TS Nguyễn Minh Châu

Bình luận