Bởi theo TS Tô Văn Phương hiện nay, nếu ngư dân để tàu mất kết nối bị xử lý phạt nặng, tuy nhiên đối với nhà cung cấp thiết bị kém chất lượng gây mất kết nối lại chưa có chế tài quy trách nhiệm.
Cần làm rõ vấn đề tàu cá mất kết nối
TS Tô Văn Phương hiện là giảng viên chuyên ngành khai thác thủy sản thuộc Đại học thủy sản Nha Trang (Khánh Hòa). Từ năm 2019-2021, TS Tô Văn Phương và cộng sự - Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản đã thực hiện đề tài cấp Bộ về “Đánh giá hiện trạng và đề xuất hệ thống giám sát tàu cá (VMS) khai thác xa bờ tại 3 tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa”.
Bên cạnh đó, thời gian qua, ông còn hướng dẫn nhiều học viên cao học, đa phần là cán bộ cơ quan quản lý ngành thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản các tỉnh thực hiện đề tài về đánh giá hiệu quả về giám sát tàu cá VMS tại địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Bình.
Theo TS Tô Văn Phương, qua khảo sát thực tế cũng như hướng dẫn các học viên hơn 3 năm nay, ông nhận thấy VMS là giải pháp hữu ích, đóng vai trò quan trọng cung cấp thông tin về vị trí, lưu vết hành trình và một số hoạt động khác của tàu thuyền cho nhà quản lý, cung cấp dịch vụ thông tin giữa trạm bờ/cơ quan quản lý và tàu thuyền hoạt động trong vùng kiểm soát của hệ thống.
Nói cách khác là thiết bị giám sát hành trình đã hỗ trợ cho ngư dân khẳng định tàu cá đang đánh bắt đúng vùng trên biển hay không, cũng như hỗ trợ tự động gửi tin nhắn vị trí tàu hiện tại trên biển về cho cơ quan quản lý. Từ đó làm căn cứ để ngư dân được nhận hỗ trợ nhiên liệu theo quy định. Ngoài ra, VMS cũng hỗ trợ tốt cho công tác khoanh vùng, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là thiết bị giám sát hành trình truyền thông tin vị trí tàu trên biển gửi về trạm bờ/cơ quan quản lý có thời điểm báo không chính xác, có sai lệch. Nổi cộm nhất là vấn đề thiết bị giám sát hành trình hay mất kết nối. Về nguyên nhân xảy ra lỗi trên có chủ quan và khách quan. Thế nhưng thường ngư dân và cơ quan quản lý nói lỗi mất kết nối là do thiết bị, song đơn vị cung cấp chưa xử lý kịp thời.
Về vấn đề này, TS Tô Văn Phương nêu ví dụ có trường hợp tàu cá vươn biển khai thác thủy sản bình thường và không vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, nhưng cơ quan quản lý báo tàu đã mất kết nối. Vì vậy, cơ quan quản lý yêu cầu ngư dân phải cho tàu quay về bờ ngay, để nhà cung cấp kiểm tra lại thiết bị. Điều này vô hình dung làm cho chủ tàu, thuyền trưởng đã ra ngư trường đánh bắt đành đột ngột phải quay về bờ gây thiệt hại kinh tế.
“Tất nhiên trong quá hình sử dụng thiết bị sẽ có những hỏng hóc không thể tránh khỏi. Nhưng cũng có thiết bị có tình trạng khi triển khai lắp đặt trên tàu do môi trường biển khắc nghiệt nên các linh kiện điện tử bị ảnh hưởng gây trục trặc”, TS Tô Văn Phương cho biết thêm, nhiều tàu mất kết nối hiện nay không rõ nguyên nhân, có tàu mất kết nối 10 tiếng đồng hồ, thậm chí đến nửa ngày.
Theo quy định tàu trên 24m, thiết bị VMS phải tự động truyền thông tin vị trí tàu về trạm bờ 2 giờ/lần và tàu từ 15 - 24m là 3 giờ/lần.
Do đó, việc tàu mất kết nối sẽ xảy ra mấy tình huống, trong đó cơ quan quản lý sẽ nghi ngờ tàu đó đang cố tình ngắt kết nối để đi khai thác trộm vùng biển nước ngoài. Tất nhiên, chỉ cần một tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Do đó, chúng ta đang cố gắng kiểm soát tàu cá trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình. Đây là giải pháp hiệu quả nhất, chứ nguồn lực của chúng ta có hạn không thể để cơ quan quản lý tuần tra giám sát trên biển liên tục được, hơn nữa rất tốn kém.
“Do đó vấn đề tàu mất kết nối khó mà xác minh dù tàu vẫn đang hoạt động vùng biển của mình. Trong khi nhiều tỉnh thành đang nổi cộm tàu mất kết. Chẳng hạn như tỉnh Kiên Giang, theo cơ quan quản lý những tháng đầu năm 2022 có hơn 2.000 lượt tàu mất kết nối”, TS Tô Văn Phương chia sẻ.
Cần chế tài xử lý trách nhiệm nhà cung cấp thiết bị
Một vấn đề nữa mà theo khảo sát thực tế có ý kiến cán bộ quản lý cho rằng: Bản đồ trên hệ thống bây giờ cơ quan quản lý dùng vị trí thể hiện trên bản đồ đấy để khẳng định tàu cá đó vi phạm vùng biển nước ngoài thì chưa có cơ sở pháp lý chặt chẽ.
Nếu tàu cá nằm trong vùng biển Việt Nam, bản đồ xác định rõ vị trí thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu tàu nằm ở vị trí chỉ giáp ranh các nước thì rất khó đánh giá cũng như khẳng định tàu đó vi phạm vùng biển nước ngoài.
Vì vậy, theo TS Tô Văn Phương vấn đề khúc mắc này vẫn đang gây tranh cãi giữa chủ tàu và cơ quan quản lý. Chủ tàu nói tàu khai thác đúng vùng biển Việt Nam, bởi thiết bị không báo vi phạm. Còn cơ quan quản lý xem bản đồ hiển thị vị trí nói tàu cá vi phạm là đúng rồi.
Do đó, chúng ta cần có đơn vị độc lập để thẩm định xem lỗi trách nhiệm thuộc về ai và phải thuộc về đơn vị cung cấp thiết bị hay không, cũng như thiết bị giám sát có ổn định hay không hay lỗi vấn đề khác.
Trở lại vấn đề khi tàu mất kết nối, TS Tô Văn Phương cho rằng, theo quy định cơ quan quản lý sẽ quy trách nhiệm chủ tàu trong việc để xảy ra tình trạng tàu bị mất kết nối. Những trường hợp ngư dân tự ý làm mất kết nối đã có chế tài xử lý rất nặng, từ hàng chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng.
Tuy nhiên ngược lại đối với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình hiện tại chưa có chế tài xử lý trong trường hợp cung cấp thiết bị không đảm bảo chất lượng gây mất kết nối.
Theo TS Tô Văn Phương, đối với với cơ quan cấp trên phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm, đặc biệt đơn vị cung cấp thiết bị khi xảy ra bất cập liên quan thiết bị. Chứ đổi lỗi hoàn toàn ngư dân là không hẳn vì có ngư dân họ làm đúng, đi khai thác đúng vùng biển. Nhưng cơ quản lý cứ báo lỗi tàu mất kết nối và đang vi phạm vùng biển nước ngoài.
Vậy chúng ta phải cần đặt vấn đề sai sót, sai số đó là gì có phải thiết bị hay không để có trách nhiệm với ngư dân. Về lâu dài để thiết bị giám sát hoạt động hiệu quả hơn, cơ quan quản lý cần đề nghị nhà cung cấp nâng cấp thêm nhiều tính năng như tích hợp truy xuất nguồn gốc thủy sản hay tự động cảnh báo một số hoạt động khi tàu vào vùng biển cấm hoặc tính năng tương tác nhắn tin hai chiều…
Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP. Nha Trang (Khánh Hòa) kiến nghị, cơ quan chức năng cần phải xem xét thấu đáo về tình trạng tàu mất tín hiệu để tránh xử phạt ngư dân oan ức. Cùng với đó trên cương vị của một chủ tàu cá và là Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá ông yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị phải kiên cố lại về gốc độ vệ tinh cũng như thiết bị, đừng để xảy ra tình trạng tàu mất kết nối khiến ngư dân bị xử phạt thiệt thòi.