Khi nông thôn và đô thị gặp gỡ: Hà Nội sáng tạo đi đầu trong xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 195 Lượt xem

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp chính quyền, ban, ngành và người dân Thủ đô đã tham gia tích cực. Nhờ đó, diện mạo vùng nông thôn TP. Hà Nội thay đổi từng ngày, cuộc sống của ng

 

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh VP Thường trực VP Điều phối NTM Hà Nội : Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội theo hướng phát triển đô thị

 

Năm 2023 là tròn 15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15 của Quốc hội Khóa XII. Đây cũng là dấu mốc của các huyện ngoại thành Hà Nội khi thực hiện chương trình NTM với nhiều bứt phá.

 

Đi lên từ một huyện miền núi có nhiều khó khăn, đến nay, 30/30 xã của huyện Ba Vì đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, thu nhập bình quân/người chỉ đạt 21,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao, chiếm 15,1%.

 

Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, NTM đã làm "thay da đổi thịt" toàn diện. Hiện nay, huyện Ba Vì đã có 30/30 xã đạt chuẩn NTM và được đoàn thẩm định Trung ương tổ chức thẩm định hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2022.

 

Đời sống nông dân ở huyện miền núi duy nhất của Hà Nội được cải thiện và không ngừng nâng cao. Công tác giảm nghèo, bảo trợ xã hội được người dân nắm bắt và thực hiện tốt. Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 52 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực 7 xã miền núi năm 2022 xuống còn 0,94% (với 177 hộ nghèo).

 

Đáng chú ý, huyện Ba Vì hiện có 138 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP (riêng khu vực 7 xã miền núi chiếm 70% tổng số các sản phẩm được công nhận OCOP). Huyện hiện có 20 làng nghề được thành phố công nhận, trong đó khu vực miền núi có 16 làng nghề đạt 80% số làng nghề của toàn huyện, chủ yếu sản xuất sữa, chè, thuốc nam... Qua đó tạo nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

 

Thực hiện quyết liệt chính sách "tam nông"

Kể từ khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đặc biệt là Chương trình 02 và nay là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM, ngoại thành ở Thủ đô đã trở thành những miền quê đáng sống.

 

Hiện nay, chỉ còn 2 huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức chưa đạt chuẩn, còn Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

 

Để hoàn thành mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2023 và Thành phố có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, 4 huyện đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho rằng, cần tập trung chỉ đạo và ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, phấn đấu về đích theo đúng kế hoạch.

 

Trong đó, UBND các huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) bên cạnh việc thực hiện đề án xây dựng huyện thành quận, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt, hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trước khi lên quận.

 

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu năm 2023, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, hoàn thiện hồ sơ công nhận gửi về Văn phòng Điều phối NTM Thành phố trước 15/11/2023.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ cho Văn phòng NTM Thành phố theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện tại các địa phương, đảm bảo thực hiện hoàn thành mục tiêu năm 2023; đồng thời đề nghị các quận tiếp tục nghiên cứu quan tâm hỗ trợ các huyện ngoại thành Hà Nội xây dựng NTM theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn, chưa đạt chuẩn NTM.

 

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các sở, ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố để sớm ban hành Nghị quyết của HĐND Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; trên cơ sở đó, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm. Thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo theo hướng đa chiều, phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với đầu năm.

 

Có thể khẳng định, bức tranh nông thôn của Thủ đô Hà Nội đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực, đặc biệt là chương trình xây dựng NTM đã thực sự đi vào cuộc sống, nhờ vào "ý Đảng lòng dân" thống nhất, đồng lòng. Đây cũng là đích đến cuối cùng của chương trình xây dựng NTM mà Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng.

Bình luận