Nông dân đội mưa thăm đồng, trầm trồ giống lúa của ThaiBinh Seed

Bình luận · 230 Lượt xem

Giữa ngày mưa tầm tã, nông dân Vĩnh Phúc vẫn đội mưa thăm đồng, trầm trồ với giống lúa TBR225 và TBR97 của ThaiBinh Seed.

Ngày 14/9, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed) phối hợp cùng Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc (Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc) tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và TBR97 trong vụ mùa 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc, vụ mùa 2023, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục khuyến khích các hộ sản xuất đưa những giống lúa mới vào trồng thử nghiệm nhằm chọn ra bộ giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với đồng đất tại địa phương để từng bước thay thế những giống lúa kém chất lượng. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác, gia tăng thu nhập cho nông dân.

Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình trồng giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Ảnh: TBS.

Các đại biểu tham quan, đánh giá mô hình trồng giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Ảnh: TBS.

Nhận thấy giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và TBR97 của ThaiBinh Seed có thể đáp ứng được những tiêu chí đưa ra, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng ThaiBinh Seed triển khai mô hình trồng giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá tại Trại sản xuất giống cây trồng Mai Nham (huyện Tam Dương) với quy mô 6ha và mô hình trồng giống lúa TBR97 tại cánh đồng thị trấn Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên) với quy mô 2ha.

Giống lúa TBR225 là giống cảm ôn, ngắn ngày, thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, chịu thâm canh. Thời gian sinh trưởng trong vụ mùa ở các tỉnh miền Bắc từ 105 - 110 ngày. Lúa cứng cây, trỗ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt, hạt thon dài. ThaiBinh Seed đã chuyển gen kháng bạc lá Xa7 vào giống nên tỷ lệ nhiễm bạc lá rất nhẹ. Năng suất trung bình 70 - 75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 85 - 90 tạ/ha, tỷ lệ xay xát đạt 72 - 74%.

Giống lúa TBR97 là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa từ 100 - 105 ngày), cứng cây, dạng hình gọn, đẻ nhánh khoẻ, trổ bông tập trung, tỷ lệ hạt chắc trên bông cao. TBR97 có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu. Năng suất vụ đông xuân 70 - 75 tạ/ha, vụ hè thu, mùa 60 - 65 tạ/ha. Tỷ lệ gạo xát 68%, tỷ lệ gạo nguyên 71 - 78%.

Bà Nguyễn Thị Định, xóm Hồng Bảng, xã Thanh Lãng (Bình Xuyên) cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình bà đưa giống lúa TBR97 của ThaiBinh Seed vào trồng thử nghiệm với diện tích 4 sào. “Giống TBR97 chịu hạn, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, tỷ lệ hạt chắc cao. Đặc biệt, lúa ít sâu bệnh. Các hộ xung quanh trồng giống lúa khác phải phun phòng trừ sâu bệnh từ 5 - 6 lần, nhưng ruộng lúa TBR97 của gia đình tôi chỉ cần phun 2 lần. Dự kiến năng suất đạt 2,7 - 2,8 tạ/sào (360m2)”, bà Định vui vẻ nói.

Các đại biểu đánh giá mô hình trồng giống lúa TBR97 tại cánh đồng thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên). Ảnh: TBS.

Các đại biểu đánh giá mô hình trồng giống lúa TBR97 tại cánh đồng thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên). Ảnh: TBS.

Bà Nguyễn Thị Tho, người cùng xã Thanh Lãng (Bình Xuyên) tham gia trồng giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá đánh giá: Qua theo dõi trên đồng ruộng cho thấy giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá cấy được ở tất cả các chân đất, thời gian sinh trưởng từ 105 - 110 ngày, cứng cây, trỗ bông tập trung, bông to, dài, nhiều hạt. Qua đếm thử ngẫu nhiên các bông lúa trên ruộng cho thấy trung bình có hơn 400 hạt chắc/bông.

"Dự kiến năng suất lúa TBR225 có gen kháng bạc lá đạt từ 70 - 75 tạ/ha. Vui hơn là chưa thu hoạch đã có thương lái đánh tiếng thu mua toàn bộ sản lượng. Vụ này mà thắng lợi chắc chắn vụ xuân tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, thậm chí chuyển hẳn sang cấy giống lúa này”, bà Tho cho hay.

Tại hội nghị đầu bờ, hầu hết các đại biểu tham gia đều cùng chung đánh giá, giống lúa TBR225 có gen kháng bạc lá và TBR97 của Tập đoàn ThaiBinh Seed đã thể hiện được nhiều ưu điểm nổi bật, phù hợp với đồng đất của Vĩnh Phúc. Việc đưa 2 giống lúa này vào cơ cấu giống của tỉnh sẽ tạo cú huých cho ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc trong việc nâng cao giá trị sản xuất lúa, kích thích nông dân không bỏ ruộng hoang, tiến tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng hiệu quả, bền vững.

Bình luận