Mưa lớn do áp thấp nhiệt đới khiến nước sông Mekong có xu thế tăng mạnh

Bình luận · 47 Lượt xem

Mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong do áp thấp nhiệt đới đang khiến cho mực nước dòng chính sông Mekong có xu thế tăng mạnh và tiếp tục tăng.

Dòng chảy sông Mekong.

Dòng chảy sông Mekong.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), cho hay, lượng mưa ngày dự báo trên khu vực hạ lưu sông Mekong trong 6 ngày tới ở mức thấp và có xu thế giảm do ít bị ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông. Lượng mưa cao nhất tập trung ở khu vực thượng Lào vào ngày 21/7 phổ biến từ 20-35mm, sau đó giảm xuống phổ biến dưới 20 mm. Các khu vực khác lượng mưa trong 6 ngày tới phổ biến dưới 10-20 mm.

Hiện nay đang trong thời kỳ lũ đầu vụ, mưa trên lưu vực hạ lưu sông Mekong trong tuần qua ở mức cao do ảnh hưởng của ATNĐ làm mực nước trên các trạm dòng chính tăng mạnh, đặc biệt là khu vực hạ Lào và Campuchia.  

Mực nước tại Kratie trong tuần qua có xu thế tăng với cường suất trung bình 51,3cm/ngày. Đến ngày 19/7/2024 mực nước lúc 7 giờ đo được tại Kratie là 15,8 m. So với cùng kỳ: cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) 1,25m; cao hơn năm 2023 3,74m.

Mực nước trên vùng ĐBSCL đang ở mức thấp và biến đổi mạnh theo triều. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tuần qua đang ở mức thấp và có xu thế giảm nhẹ.

Đến ngày 18/7/2024, mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt đạt 1,38 m, thấp hơn cùng kỳ TBNN (1996-2022) 0,5m; cao hơn năm 2023 0,12m; mực nước lớn nhất ngày tại Châu Đốc đạt 1,47m, thấp hơn cùng kỳ TBNN 0,21m; cao hơn năm 2023 0,14m.

Mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trong tuần tới xảy ra trên lưu vực hạ lưu sông Mekong là không lớn. Tuy nhiên, mưa lớn vẫn còn xảy ra đến hết ngày 20/7/2024 do tác động của ATNĐ trong tuần qua. Vì vậy, nhận định nguồn nước trên dòng chính sông Mekong khu vực hạ Lào và Campuchia vẫn tiếp tục tăng trong 4 ngày tới, sau đó có xu thế giảm trở lại.

Dự báo trong tuần tới, nguồn nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng do lũ đầu nguồn đổ về kết hợp triều cường, lũ nội đồng ĐBSCL có xu thế tăng và biến đổi mạnh theo triều.

Đến nay tuy mực nước đầu nguồn sông Cửu Long vẫn đang ở mức thấp, nhưng đã xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 1 ATNĐ xảy ra trong tuần qua gây mưa lớn trên lưu vực làm mực nước trên dòng chính sông Mekong có xu thế tăng mạnh và dự báo tiếp tục tăng trong các ngày tới.

Mặt khác, theo nhận định của các tổ chức trong và ngoài nước, từ nay đến cuối mùa lũ còn xuất hiện nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có nguy cơ gây mưa lớn trên lưu vực hạ lưu sông Mekong.

Vì vậy, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo từ các tổ chức như MRC, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo nguồn nước vùng ĐBSCL của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, để xây dựng kế hoạch ứng phó nhanh chóng và kịp thời.

Bình luận