Nông nghiệp hữu cơ

Bình luận · 192 Lượt xem

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, không chỉ là xu thế phát triển trong thời gian tới, mà cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và tỉnh trong những năm gần đây.

Tôi khá bất ngờ khi biết anh Nguyễn Văn Sáu, một nông dân ở xóm tôi, vừa đưa quyết định chuyển cách thức canh tác toàn bộ vườn rau của mình sang hữu cơ.

 

Theo anh, đây là một quyết định rất khó khăn, bởi anh phải cân nhắc trước áp lực về sản lượng, bài toán kinh tế, thu nhập cũng như khó khăn mà sản xuất hữu cơ có thể đem lại.

 

Nhưng sau thời gian suy nghĩ, tôi quyết định thay đổi, với mục đích hàng đầu là tối đa hóa sức khỏe của con người, sự phục hồi của đất đai, độ an toàn của sản phẩm. Tất nhiên, tôi cũng tin rằng, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ có chỗ đứng, đem lại thu nhập cao cho mình- anh Sáu chia sẻ.  

 

Trước đây, anh nông dân Nguyễn Văn Sáu cũng như hàng trăm nghìn hộ nông dân khác, tận dụng tối đa phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp.

 

Điều này dẫn đến sản xuất nông nghiệp tỉnh ta phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, bao gồm các bệnh, sâu bệnh và ô nhiễm đất, nguồn nước và môi trường.

 

Đây là một vòng luẩn quẩn- anh Nguyễn Văn Sáu nói. Vì chạy theo năng suất, sản lượng, nên nông dân thường sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, khiến đất đai chai lì, kiệt quệ, môi trường ô nhiễm.

 

Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến sự bền vững của ngành Nông nghiệp. Theo đó, thúc đẩy các chính sách đa dạng hóa hệ thống canh tác tiên tiến để giảm thiểu ô nhiễm; kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và an toàn thực phẩm bắt đầu phát triển.

 

Đặc biệt, ngày 29/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1325/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 

Mục tiêu của Đề án là nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương trên bản đồ nông nghiệp cả nước.

 

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 đưa diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1% tổng diện tích gieo trồng; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5 - 1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; 1-2% sản phẩm hữu cơ trên tổng sản phẩm chăn nuôi.

Thực hiện Đề án, từ năm 2021 đến nay, các ngành liên quan và chính quyền các địa phương từng bước xác định khu vực, diện tích đất phù hợp canh tác, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; các đối tượng sản xuất phù hợp với từng địa bàn, khu vực cụ thể.

 

Xây dựng được quy trình chuyển hóa đất canh tác hiện có sang canh tác đáp ứng các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để duy trì và mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bước đầu hình thành các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ trên địa bàn các huyện, thành phố.

 

Tuy nhiên, không được như “người anh em” nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vốn đang phát triển mạnh mẽ, với diện tích lên đến hàng chục nghìn ha, nông nghiệp hữu cơ vẫn đang dò dẫm những bước đi đầu tiên, với diện tích nhỏ lẻ, manh mún.

 

Tất nhiên, cần khẳng định rằng, làm nông nghiệp hữu cơ không dễ dàng, nhiều khó khăn và thách thức.

 

Trước hết, theo anh Nguyễn Văn Sáu, cần chấp nhận năng suất cây trồng, vật nuôi thấp hơn so với sản xuất an toàn, do không dùng phân bón hóa học, hoặc các loại hóa chất điều tiết tăng trưởng khác.

 

Tiếp đó là phải đối mặt với các loại dịch bệnh, sâu hại do không dùng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa dùng thuốc thú y, kháng sinh tổng hợp. Trong khi đó, sản xuất hữu cơ và không hữu cơ vẫn nằm liền kề, đan xen, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là rất cao.

 

Mặt khác, do sản xuất hoàn toàn “sạch”, nên năng suất thấp, chi phí cao hơn, dẫn đến giá thành sản phẩm hữu cơ cao hơn đáng kể so với sản phẩm an toàn, dẫn đến nên thị trường bị giới hạn là nhóm khách hàng có thu nhập khá trở lên.

 

Một khó khăn nữa đến từ tâm lý của người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng vẫn nhầm lẫn giữa sản xuất hữu cơ với sản xuất an toàn, vì vậy có sự so sánh về giá cả, từ đó thờ ơ với sản phẩm hữu cơ.

 

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, không chỉ là xu thế phát triển trong thời gian tới, mà cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương, Chính phủ và tỉnh trong những năm gần đây.

 

Nông nghiệp hữu cơ được hiểu như một hình thức sản xuất “lành mạnh và thân thiện với môi trường”, tránh hoặc loại bỏ việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

 

Tuy vậy, từ thực tế cho thấy, cần có cách tiếp cận phù hợp! 

 

Trong đó, các cấp, các ngành cần quan tâm triển khai các nhóm giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về nông nghiệp hữu cơ.

 

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng không chạy theo phong trào, mà có định hướng sản phẩm, thị trường và sự hợp tác của doanh nghiệp. Tránh tình trạng sản phẩm hữu cơ làm ra có giá thành cao, khó bán, gây thiệt hại cho nông dân.

 

Xúc tiến quy hoạch vùng sản xuất nghiệp hữu cơ để không bị ảnh hưởng bởi nguồn nước bẩn, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bệnh trong quá trình sản xuất đan xen về ranh giới với các phương thức sản xuất khác.

 

Và cuối cùng, không để những hộ nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải “tự bơi”. Theo đó, họ cần được tập huấn quy trình sản xuất hữu cơ đầy đủ; được cấp giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để thuận lợi trong tiếp cận thị trường.                                  

Bình luận