Kỹ sư Sinh học bỏ phố về vườn làm nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 99 Lượt xem

BTN - Nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng và sự vận động của ngành nông nghiệp, chàng trai trẻ Lưu Đức Tài (sinh năm 1993), nông dân xã Hoà Hội, huyện Châu Thành đã mạnh dạn đi theo con đường nông nghiệp

Khác với hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn, ấn tượng khi lần đầu gặp anh Tài là phong cách trẻ trung, năng động, tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tốt nghiệp đại học, chuyên ngành công nghệ sinh học, chàng kỹ sư trẻ quyết định từ bỏ công việc ổn định để về quê khởi nghiệp với mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

“Tôi ra trường năm 2017. Sau khi ra trường, tôi làm lĩnh vực công nghiệp thực phẩm. Làm được khoảng 1,5 năm, vì đam mê nông nghiệp nên tôi từ bỏ công việc cũ và tìm công việc mới là trang trại chuyên sản xuất rau sạch. Sau gần 2 năm gắn bó với công việc này, tôi quyết định về địa phương xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất”- anh Tài kể.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của anh Tài có diện tích 500m2, với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu đồng. Đây là mô hình thuỷ canh hồi lưu, trồng các loại rau ăn lá, ngoài ra còn trồng các loại cây ăn quả như cà chua bi, dưa lưới.

 

 

Những cây dưa lưới vừa nảy mầm được anh Tài chăm sóc.

Theo anh Tài, thời gian trồng cho tới lúc thu hoạch là hơn 2 tháng, sản phẩm chủ yếu anh bán trên nền tảng online. Chuẩn bị thu hoạch, anh Tài sẽ “rao bán” trên các nền tảng số như Facebook, TikTok… Khi có đơn hàng, anh chỉ việc cắt quả và giao đến tận tay khách hàng.

Ngoài việc sản xuất tại nông trại của mình, anh Tài còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân có nhu cầu chuyển giao công nghệ, tận tình chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình thực hiện mô hình này, anh Tài gặp không ít khó khăn như: chi phí đầu tư ban đầu khá cao, chưa có kinh nghiệm, cũng như cách xử lý sâu bệnh hại, vấn đề về lỗi hệ thống… Tuy nhiên theo anh Tài, hiện nay, Nhà nước cũng như địa phương đã thực hiện những chủ trương, chính sách hỗ trợ về vốn, mở các lớp tập huấn chuyên môn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó giúp anh cũng như bà con nông dân có kinh nghiệm để xử lý các vấn đề rủi ro, nhằm tăng năng suất cây trồng.

 

 

Anh Lưu Ðức Tài chăm sóc vườn rau cải.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Tài cũng mong muốn nhân rộng mô hình để cung cấp rau quả sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, nông trại của anh còn là nơi để các em học sinh tham quan, trải nghiệm, cùng nhau học hỏi, tìm hiểu để có những định hướng cho nghề nghiệp sau này.

Thời gian tới, anh Tài sẽ mở rộng mô hình thêm diện tích 200-300m2, chủ yếu để trồng dưa lưới và các loại rau, củ, quả. Vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, giờ đây anh Tài đã thành công với mô hình khởi nghiệp này.

Ông Lưu Anh Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hội, huyện Châu Thành cho biết: “Hội Nông dân xã cùng với các hộ đam mê nông nghiệp công nghệ cao của địa phương đã cùng nhau thực hiện công tác tuyên truyền, vận động anh chị em có đam mê sử dụng công nghệ cao, nhất là bà con có kinh nghiệm sẽ truyền đạt lại cho người sau. Mỗi năm, chúng tôi đều trình diễn các mô hình nông nghiệp điển hình ở địa phương.

Hội sẽ tham mưu cấp trên định hướng hoạt động hằng năm. Theo chúng tôi nhận thấy, đây là mô hình hiệu quả, sử dụng công nghệ cao của địa phương cần được nhân rộng và phát huy”.

 

 

Những quả dưa lưới sắp đến ngày thu hoạch.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai. Tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng công trình sử dụng được lâu dài, nhưng chi phí duy tu không đáng kể. Với hệ thống kín được xây dựng đúng quy chuẩn thì nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh cũng như tác động từ môi trường được hạn chế thấp nhất, giảm tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật so với trồng ngoài trời. Bên cạnh đó, có thể sản xuất quanh năm vì không phụ thuộc vào thời tiết, năng suất cao và bảo đảm rau an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

Nhi Trần - Hoàng Yến

Bình luận