Người dân ở thủ phủ “sương mù” huyện Tu Mơ Rông kéo nhau vào các cánh rừng săn “thần dược” ngũ vị tử

Bình luận · 268 Lượt xem

Những ngày này, người dân ở thủ phủ “sương mù” huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum kéo nhau vào các cánh rừng săn “thần dược” kiếm thêm thu nhập.

Xuyên rừng săn “lộc trời”: Ngũ vị tử

Cứ vào độ tháng 9 hàng năm, khi công việc đồng áng khá thảnh thơi, tranh thủ quỹ thời gian rảnh, nhiều người dân ở vùng cao xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum lại vào rừng săn lùng ngũ vị tử bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây ngũ vị tử (tên khoa học là Schisandraceae) là loại thảo dược quen thuộc.

 

Loại thuốc nam này thuộc họ ngũ vị tử, thuộc họ cây thân leo, dài 5-7m hoặc dài hơn, sống lâu năm.

 

Thân và cành có màu xám nâu, có nhiều nốt sần, ngọn non có dạng góc cạnh. Lá cây mọc so le, hình quả trứng có dạng răng cưa ở mép lá. Mặt trên lá có màu lục sẫm, mặt dưới có nhiều lông ngắn nên có màu nhạt hơn.

 

Quả của cây ngũ vị tử được sử dụng để làm thảo dược. Quả sau khi thu hoạch về rửa sạch và được phơi hoặc sấy khô để làm dược liệu. Ngũ vị tử khô nên được bảo quản trong túi nilon kín hoặc chai, lọ có nắp và để ở nơi khô ráo, thoáng mát.

 

Theo y học, ngũ vị tử là vị thuốc có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ gan, giải độc cơ thể.

 

Ngoài ra, nó còn có tác dụng thúc đẩy tăng tiết dịch mật ở bệnh nhân viêm gan, trấn tĩnh trung khu thần kinh, chống co giật, giảm ho, giảm mệt mỏi, trợ tim, điều hòa tuần hoàn máu. Đặc biệt, là khả năng ức chế sự hợp thành của các tế bào ung thư.

 

Cây thường mọc ở khu vực giáp ranh rừng non và rừng già. Từ xưa, người dân thường hái quả về ăn, sau này, bán cho thương lái thu mua về làm gia vị, thuốc.

 

Trên thị trường, sản phẩm của cây ngũ vị tử đều có nguồn gốc tự nhiên. Giá của quả ngũ vị tử thường ổn định 10.000-15.000 đồng/kg. Mỗi năm, ngũ vị tử ra quả một lần nên người dân tỉnh Kon Tum tranh thủ hái về bán.

 

Người dân ở thủ phủ “sương mù” huyện Tu Mơ Rông kéo nhau vào các cánh rừng săn “thần dược” ngũ vị tử - Ảnh 3.

Nhiều trẻ em cũng theo cha mẹ hái quả về bán.

 

Khai thác gắn với bảo tồn ngũ vị tử

Chị Y Diên, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: "Mùa này cũng không bận bịu lắm, nhóm của mình khoảng 7 người vào rừng để tìm quả ngũ vị tử. Ngày xưa, quả nhiều nên mỗi chuyến đi hái quả được cả gùi lớn. Sau này, người dân phải đi sâu trong rừng để tìm kiếm.

 

Nếu gặp những cây lớn, tôi có thể thu về cả 1 tạ. Thương lái đang thu mua với giá 10.000-12.000 đồng/kg. Với giá này, gia đình có thể thu về từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng mỗi ngày”.

 

Chị Y Gia Nhi, chủ tiệm dược liệu Y Gia Nhi, xã Đăk Na cho biết, mùa này có nhiều bà con trong làng thường lên rừng hái quả. Trung bình mỗi ngày, tiệm của chị thu mua trên vài tạ ngủ vị tử.

 

Sau khi thu gom của bà con, chị sẽ bán lại cho những khách có nhu cầu như các cơ sở, hợp tác xã chế biến gia vị, thuốc từ loại quả này. Bên cạnh đó, đồ uống được chế biến từ ngũ vị tử được nhiều khách dưới xuôi rất ưa chuộng bởi sự mới mẻ, độc lạ từ hương vị.

 

Anh A Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na cũng tranh thủ ngày nghỉ, cùng bà con lên rừng tìm quả ngũ vị tử, để kiếm thêm thu nhập và làm các loại nước uống, dược liệu cho gia đình sử dụng.

 

Anh Dũng bộc bạch: "Tôi là người bản địa nên hiểu rõ công dụng của quả ngũ vị tử. Trong những lần hành trình đi hái quả mình hướng dẫn bà con cách thu hái gắn với công tác quản lý, bảo vệ cây ngũ vị tử và bảo vệ rừng, phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu cho cây ngũ vị tử. Qua đó, giúp cho bà con thêm thu nhập từ nguồn lâm sản phụ này”.

Bình luận