Phát triển nghề nuôi cá lồng bè bền vững: [Bài 2] Hướng đi mới từ loài 'nhân sâm nước'

Bình luận · 220 Lượt xem

Cá chình được ví như 'nhân sâm nước' đã được nuôi thành công trong lồng bè tại sông La Ngà, mở ra hướng đi mới cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Mở lối đi mới...

Vượt chặng đường gần 100km từ TP. HCM, làng nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai hiện ra đầy sôi động, người mua, kẻ bán tấp nập như một nét chấm phá cho bức tranh thủy mặc sống động.

Theo hướng dẫn của lãnh đạo HTX Lồng bè khu vực số 6, lòng hồ Trị An, chúng tôi được tới khu nuôi cá lồng bè thâm canh của gia đình Trần Thanh Sơn. Anh là một trong những thành viên của HTX thành công nuôi cá chình - loài cá được ví như “nhân sâm nước” trên sông La Ngà. Với việc nuôi cá chình, mô hình tạo mức thu nhập ổn định cho gia đình, mở hướng đi mới trong việc nuôi trồng thủy sản ở địa phương.

Khu nuôi cá chình trong lồng bè thâm canh của gia đình Trần Thanh Sơn được coi là điểm sáng tại khu vực sông La Ngà. Ảnh: Lê Bình.

Khu nuôi cá chình trong lồng bè thâm canh của gia đình Trần Thanh Sơn được coi là điểm sáng tại khu vực sông La Ngà. Ảnh: Lê Bình.

Dẫn chúng tôi tham quan, anh Sơn cho biết, thiên nhiên ưu đãi cho huyện Định Quán, có dòng sông La Ngà với nguồn nước trong lành. Từ những năm 2010, anh đã mạnh dạn đầu tư gần nửa tỷ đồng cho 12 lồng bè nuôi cá. Khác với hầu hết người dân địa phương khi chọn các loài cá nước ngọt như cá rô phi, chép, diêu hồng... để sản xuất, anh lại chọn nuôi loài cá chình. Tuy loại cá này có thời nuôi khá dài, nhưng với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng sự mày mò nghiên cứu, hiện anh đã làm chủ quy trình nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo anh Sơn, cá chình dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn chủ yếu là cá tạp sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, vốn đầu tư con giống khá cao, thời gian dài, từ khi thả giống đến thu hoạch phải mất từ 2 - 3 năm. Những năm đầu nuôi, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, gia đình anh gặp không ít khó khăn, thậm chí trắng tay.

Để nâng cao kiến thức và kinh nghiệm, anh Sơn bắt đầu tìm tòi mô hình nuôi cá chình thâm canh từ các hộ nuôi ở các tỉnh bạn. Sau khi có đầy đủ kiến thức, để giải bài toán thiếu vốn, ngoài cá chình, anh Sơn nuôi thêm cá lăng, loài cá có đặc tính ăn mặn tương đồng với cá chình. Thay vì phải nuôi cá lăng từ cá bột cho đến thu hoạch, anh thu mua cá lăng đã trưởng thành về vỗ béo, chỉ sau 3 - 6 tháng cá lăng có thể xuất bán. Trung bình mỗi lứa cá lăng đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng, từ số tiền có được anh lại tái đầu tư cho cá chình. 

Anh Sơn tận dụng cá dạt, cá chết sau đó băm nhỏ để làm thức ăn cho cá chình. Ảnh: Lê Bình.

Anh Sơn tận dụng cá dạt, cá chết sau đó băm nhỏ để làm thức ăn cho cá chình. Ảnh: Lê Bình.

“Hiện, tôi đang nuôi 8 bè cá lăng, còn lại 4 bè nuôi cá chình. Vụ vừa qua tôi thu hoạch hơn 12 tấn cá chình, với giá trên 600.000 đồng/kg đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí”, anh Sơn phấn khởi nói.

Nói về kinh nghiệm sản xuất, anh Sơn chia sẻ thêm, cá chình giống khi bắt về rất nhỏ, dễ chết nên quá trình nuôi, thâm canh, đánh bắt phải có kỹ thuật. Theo đó, cần phải cải tạo, vệ sinh lồng cá theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ, bảo đảm lượng thức ăn. Sau mỗi lứa thu hoạch cá thì cần xử lý nước trong lồng nuôi trước khi thả cá bằng các chế phẩm sinh học. Lồng bè phải được gia cố chắc chắn, tránh để rò rỉ, cá thoát ra ngoài. Cá khỏe mạnh, không xây xát, mới có thể xuất bán được với giá cao. Đến thời điểm hiện tại, các lồng cá của gia đình đạt tỷ lệ thu hồi trên 95%.

“Thức ăn khoái khẩu của cá chình là cá tươi, còn thức ăn của cá lăng là cá dạt, cá chết. Lợi thế khi nuôi các loại cá này là thức ăn mình tự kiếm được. Nếu thiếu hụt mình mua lại của bà con trong vùng chỉ với 500 - 1.000 đồng/kg tùy loại.

Lứa cá chình này được anh Sơn nuôi được gần 5 tháng, chuẩn bị cung cấp cho thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Lứa cá chình này được anh Sơn nuôi được gần 5 tháng, chuẩn bị cung cấp cho thị trường. Ảnh: Lê Bình.

Cái khó là mô hình này là không thể tự nhân giống vì đặc tính sinh sản cá chình trên vùng nước lợ, cá trưởng thành mới sống ở vùng nước ngọt. Hiện mình phải xuống tận Cà Mau mua giống, do quãng đường di chuyển xa, cá hụt khá nhiều. Để nhân rộng mô hình, mong ngành thủy sản địa phương, HTX làm đầu mối cung cấp giống chất lượng, bà con nơi đây sẽ giàu lên”, anh Sơn khẳng định.

Tạo cú hích về chính sách

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Giám đốc HTX Lồng bè khu vực số 6 lòng hồ Trị An, cho biết HTX ra đời đầu năm 2023, tiền thân là tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản. Hiện, HTX có 7 thành viên chính thức và hàng chục thành viên liên kết nuôi cá lồng bè tập trung tại khu vực số 6, thuộc xã Phú Ngọc theo Đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.

Hầu hết các thành viên đều có kinh nghiệm nuôi cá từ 10 - 20 năm, hiện đang nuôi các loại cá chủ lực như cá diêu hồng, cá chép, cá lăng. Anh Trần Thanh Sơn là thành viên duy nhất đang nuôi kết hợp giữa cá lăng và cá chình.

“HTX đánh giá đây là mô hình hiệu quả, trên cơ sở đề án quy hoạch phát triển nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà của UBND tỉnh Đồng Nai. HTX đang từng bước kêu gọi các thành viên mạnh dạn liên kết, chia sẻ kinh nghiệm nhân rộng các mô hình nuôi cá hiệu quả, trong đó có mô hình cá chình”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi.

Nhờ diện tích nuôi lớn, cá liên tục được tái đàn nên nguồn cung lượng cá lồng nuôi trên sông La Ngà khá dồi dào. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ diện tích nuôi lớn, cá liên tục được tái đàn nên nguồn cung lượng cá lồng nuôi trên sông La Ngà khá dồi dào. Ảnh: Lê Bình.

Để tạo điều kiện phát triển ngành nghề nuôi thủy sản lồng bè tại đây ngày càng bền vững, hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”. Trong đó yêu cầu phát triển nuôi thủy sản trên hồ Trị An phải phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam và các quy định về phát triển nuôi cá lồng bè theo Luật Thủy sản. Nuôi thủy sản phải đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và hài hòa lợi ích với các ngành kinh tế khác.

Trong đó, phát triển nghề nuôi thủy sản hồ chứa với nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó lấy kinh tế hộ gia đình là chính. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý tài nguyên đất, mặt nước cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Nâng cao vai trò sở hữu nhằm thúc đẩy tính tự chủ trong phát triển. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ vùng sản xuất, xây dựng và tổ chức kiểm soát môi trường và nguồn lợi trên hồ.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu việc phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên cơ sở khai thác, tận dụng tiềm năng và sử dụng hiệu quả mặt nước hồ thủy điện Trị An nhằm tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển du lịch và đáp ứng đa mục tiêu trong việc sử dụng hồ chứa. Đồng thời, khai thác một cách tối ưu nguồn lợi thủy sản từ việc nuôi cá lồng, bè, khai thác tổng hợp tiềm năng mặt nước hồ Trị An, xác định phạm vi nuôi trồng thủy sản và khả năng nuôi trồng trong giai đoạn lâu dài.

Bình luận