Lào chú trọng phát triển ngành trồng trọt và các sản phẩm cây trồng

Bình luận · 198 Lượt xem

Chính phủ Lào vừa xây dựng chính sách quốc gia phát triển ngành trồng trọt, theo đó xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, sản lượng lúa đạt 4 triệu tấn, sản lượng cây lương thực và sản xuất hàng hóa đạt trên 10 tri

Nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia đi vào cụ thể, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển và tiếp tục tiến tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa, Chính phủ Lào đã xây dựng chính sách quốc gia phát triển ngành trồng trọt tại Lào

Chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích và thúc đẩy ngành trồng trọt và sản phẩm cây trồng của Lào phát triển, bảo đảm cung cấp cây trồng và sản phẩm cây trồng đầy đủ, an toàn, bổ dưỡng làm hàng hóa và để tăng khả năng cạnh tranh thương mại của Lào.

Chính sách cũng đánh giá tổng thể về hoạt động trồng trọt, phân tích tiềm năng, cơ hội, thách thức... cũng như đưa ra mục tiêu và nội dung của 8 hạng mục: chính sách đất đai đối với ngành trồng trọt; chính sách về yếu tố sản xuất; chính sách nâng cao chất lượng và chế biến cây trồng; chính sách xuất khẩu cây trồng và sản phẩm cây trồng; chính sách cán bộ và người lao động; chính sách bảo đảm rủi ro đối với ngành trồng trọt; chính sách khuyến khích áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ hiện đại và năng lượng; chính sách tín dụng và tiếp cận vốn.

Các nhóm chính sách nêu trên nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi giá trị sản xuất cây trồng của Lào từ khâu sản xuất đến chế biến, lưu thông và thương mại; đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp của Lào phát triển tăng trưởng.

Theo đó, Lào xác định mục tiêu là phấn đấu đến năm 2030, sản lượng lúa đạt 4 triệu tấn, sản lượng cây lương thực và sản xuất hàng hóa đạt trên 10 triệu tấn, giá trị xuất khẩu ước tính của cây trồng và sản phẩm cây trồng đạt ít nhất 1,5 tỷ USD.

Chính phủ Lào kỳ vọng chính sách mới cũng sẽ mang lại lợi ích xã hội như: tạo thêm công ăn việc làm, tạo thu nhập và cải thiện đời sống, nâng cao kỹ năng lao động, xây dựng kiến thức chuyên môn về quản lý, điều hành và dịch vụ trong nông nghiệp; giảm tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị hoặc đi làm việc ở nước ngoài của lao động trẻ.

Bên cạnh đó, chính sách này cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy và chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp thân thiện (GAP) và nông nghiệp hữu cơ (OA)...

Bình luận