Chuyển đổi số giúp chủ trang trại theo dõi đàn gia súc mọi lúc, mọi nơi

Bình luận · 176 Lượt xem

Chuyển đổi số trong chăn nuôi chủ yếu diễn ra với việc thích ứng công nghệ chăn nuôi chính xác, giúp người chăn nuôi phát hiện sớm bệnh tật, tối ưu quy trình dinh dưỡng đảm bảo năng suất của đàn vật nuôi.

Tại Hội nghị khoa học Chăn nuôi - Thú y toàn quốc (lần thứ V) diễn ra từ ngày 5 - 7/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, trong điều kiện khó khăn, nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu, thể hiện rõ nhất trong các chỉ số phát triển của tháng đầu quý III/2023.

Xác định chăn nuôi là cực tăng trưởng quan trọng của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để tái cơ cấu ngành chăn nuôi, khoa học công nghệ là yêu cầu, đòi hỏi quan trọng. Nếu các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi vào Việt Nam, thì phải hướng đến chăn nuôi công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, tuần hoàn, chuyển đổi số, để hướng đến xuất khẩu.

Chính vì thế, ông kỳ vọng hội nghị với chủ đề về tuần hoàn và chuyển đổi số cùng sự góp mặt của các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp, nhà chăn nuôi sẽ thảo luận, đề xuất những hướng đi bền vững …

Chia sẻ tại hội nghị, ThS Lê Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc công nghệ thông tin Công ty Cổ phần GREENFEED Việt Nam nhấn mạnh, chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cho hàng triệu người dân

Bà Yến đánh giá, Việt Nam đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về các sản phẩm chăn nuôi, đồng thời, đối phó với những thách thức như giới hạn nguồn tài nguyên và biến đổi khí hậu.

Do đó, trong những năm gần đây, chuyển đổi số dần trở thành một động lực chuyển đổi chính trong ngành chăn nuôi, giúp tái định hình các mô hình chăn nuôi truyền thống và tạo ra những cơ hội tăng trưởng theo hướng bền vững.

Đồng thời, chuyển đổi số có tiềm năng trở thành một trụ cột trong chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi quốc gia trong tương lai. Chuyển đổi số đang mở ra một cơ hội nâng tầm ngành chăn nuôi Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững và phúc lợi động vật.

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong chăn nuôi chủ yếu diễn ra với việc thích ứng công nghệ chăn nuôi chính xác. Cảm biến, thiết bị đeo và công nghệ IoT được triển khai giúp giám sát và theo dõi sức khỏe, phúc lợi của vật nuôi.

Các thông tin này cho phép người chăn nuôi phát hiện sớm bệnh tật, tối ưu quy trình dinh dưỡng và đảm bảo sức khỏe toàn diện cũng như năng suất của đàn vật nuôi. Các hệ thống cho ăn tự động có thể kiểm soát chính xác khẩu phần dinh dưỡng của vật nuôi, đảm bảo vật nuôi hấp thụ đúng nguồn dinh dưỡng với mức độ cần thiết.

“Thông qua công nghệ chăn nuôi chính xác, quy trình đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và cải thiện quản lý dinh dưỡng, người chăn nuôi có thể nâng cao năng suất và giảm tác động môi trường.

Hơn nữa, khả năng truy suất nguồn gốc sản phẩm và cải thiện phúc lợi động vật nâng cao tính an toàn và đạo đức trong thực hành quy trình chăn nuôi”, bà Thủy thông tin.

Trong khuôn khổ hội nghị, nhiều phần mềm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi cũng được giới thiệu. Trong đó, phải kể đến phần mềm DigiFarm. Đây là ứng dụng giúp tối ưu hiệu quả sản xuất chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro vận hành, tiết kiệm tài nguyên (điện nước, thời gian), quản lý kịp thời mọi lúc mọi nơi.

Đại diện DigiFarm cho biết, ứng dụng IoT vào nông nghiệp sẽ giúp tối ưu hiệu quả vận hành, hạn chế rủi ro - thiệt hại, báo cáo, thống kê được cập nhật liên tục, giám sát được lượng thức ăn, điện nước tiêu thụ, giám sát tập trung các thiết bị.

Theo đó, chỉ cần một chiếc điện thoại hay máy tính có kết nối với ứng dụng và thiết bị tự động có kết nối mạng, chủ trang trại có thể nắm bắt được toàn bộ tình hình trạng trại chăn nuôi mọi lúc, mọi nơi.

Trong đó, ứng dụng giúp chủ trang trại thiết lập thông số, thông tin trang trại, nhà, ao nuôi; linh hoạt trong nhập, tách đàn đặc biệt giám sát được quy trình chăn nuôi và kiểm soát được an toàn sinh học… đàn gia súc, gia cầm.

Bình luận