Trên đường về đích của huyện chuyên canh trái cây đặc sản

Bình luận · 224 Lượt xem

TIỀN GIANG Theo lộ trình phấn đấu, đến cuối tháng 11/2023, huyện Cái Bè sẽ hoàn thành hồ sơ huyện đạt chuẩn nông thôn mới trình Trung ương thẩm định.

 Kinh tế vườn ở Cái Bè đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

 Kinh tế vườn ở Cái Bè đóng góp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Khá giả từ kinh tế vườn

Huyện Cái Bè là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Tiền Giang với hơn 24.000ha (chiếm trên ¼ diện tích cây ăn trái toàn tỉnh). Nông dân huyện Cái Bè có nhiều kinh nghiệm trong trồng chuyên canh các loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, mít Thái, xoài cát Hòa Lộc, cây có múi… Năng suất, chất lượng trái cây ở đây rất ngon, ổn định nên đầu ra khá thuận lợi. 

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại trái cây được giá cao như sầu riêng giá dao động 50.000 - 80.000 đồng/kg, mít Thái giá bình quân khoảng 20.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha/năm. Kinh tế vườn trở thành nguồn thu nhập chính của bà con nông dân địa phương. Từ đó, góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương chuyển biến tích cực.

Sầu riêng là cây trồng cho thu nhập rất cao ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Sầu riêng là cây trồng cho thu nhập rất cao ở Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Xã Mỹ Lợi B, có gần 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng cây ăn trái (chủ yếu mít và sầu riêng). Có thể nói, cây ăn trái là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho bà con nông dân và góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho lao động địa phương. Năm 2023, nhờ trái cây đặc sản, đặc biệt là trái sầu riêng có giá góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ Lợi B lên trên 72 triệu đồng, tăng trên 20 triệu đồng/người so với năm 2020. Đời sống của bà con địa phương đã khấm khá hơn.

Ông Nguyễn Thanh Điền, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Lợi B cho biết, HTX có 27ha trồng sầu riêng. Năm nay, cây trồng này bán được giá bà con rất phấn khởi, có thời điểm đến 120.000 đồng/kg mang về thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ha, trung bình thu nhập từ cây sầu riêng hơn 1 tỷ đồng/ha.

Vui mừng hơn, ngày 29/9/2023 vừa qua, UBND xã Mỹ Lợi vừa tổ chức lễ công bố quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là niềm vui sự phấn khởi chung của nhân dân xứ sở trái cây này.

Ông Trần Nhựt Khoa, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lợi B cho biết: Thời gian tới, xã Mỹ Lợi B sẽ tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm chủ lực của địa phương, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để chỉnh trang cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn, phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Minh Đảm.

Hướng đến huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Cái Bè, với quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có kết thúc, những năm qua huyện Cái Bè đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả, huyện đã thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu mà Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã đề ra.

Tính đến nay, toàn huyện Cái Bè có 24/24 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 27 và 29/9, huyện Cái Bè tổ chức ra mắt 2 xã nông thôn mới nâng cao là Hậu Mỹ Bắc A và Mỹ Lợi B, nâng số xã nông thôn mới nâng cao của huyện lên 6 xã. Tại các xã nông thôn mới nâng cao thu nhập bình quân vừa ra mắt, thu nhập bình quân đầu người đạt mức cao, trên 70 triệu đồng/người. Dự kiến đến cuối năm 2023, huyện Cái Bè sẽ ra mắt huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn có 8 xã nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã hướng dẫn huyện Cái Bè lập hồ sơ để đến tháng 11/2023 hoàn thành xong bộ hồ sơ gửi Trung ương thẩm định. Đồng thời, cũng hướng dẫn huyện Châu Thành lập hồ sơ để gửi Trung ương thẩm định và địa phương đang chạy nước rút. Tỉnh phấn đấu gửi hồ sơ trình Trung ương thẩm định công nhận huyện Cái Bè, huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM trong năm nay. 

Năm 2023, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có 142/142 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu ra mắt tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025.

Bình luận