Xây dựng Đồng Tháp thành tỉnh kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

Bình luận · 196 Lượt xem

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 404/TB-VPCP ngày 7/10/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Thông báo nêu: Đồng Tháp có vị trí chiến lược, vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm; là trung tâm giao lưu kinh tế, trung tâm du lịch sinh thái của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; là "đất sen hồng" của miền Tây; nổi tiếng với nhiều khu di tích, danh lam thắng cảnh mang nét độc đáo và riêng biệt.

 

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Tháp đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đạt được kết quả quan trọng. Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 8,62% (xếp thứ 5/13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long); thu nhập bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng. Tỉnh đã thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và đạt kết quả cao, xây dựng được các chuỗi ngành hàng hiệu quả (đứng thứ ba cả nước về sản phẩm OCOP với 357 sản phẩm); tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 94,78% tổng số xã. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện (15 năm liên tiếp Tỉnh trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh). Trong 6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện khó khăn chung, sản xuất công nghiệp vẫn tăng 6,96%; sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 3,94%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 13,14%; du lịch thu hút được 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,99%, loại hình du lịch nông nghiệp được đẩy mạnh. Đô thị phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được đặc thù của vùng sông nước.

 

Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Tỉnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; các tiềm năng, lợi thế và nhiều chỉ số đánh giá tích cực ở mức độ cao nhưng chưa chuyển thành nguồn lực; huy động vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu thực tế (huy động vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 mới bằng 20,67% GRDP). Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Tình trạng sạt lở bờ sông, ô nhiễm môi trường, kênh rạch đặt ra nhiều thách thức.

 

Để khắc phục được những hạn chế trên, Thủ tướng đã đưa ra một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới.

 

Phát triển Đồng Tháp cân bằng, toàn diện, bền vững

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp phải tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI. Phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ nguồn lực con người, truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương; xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm.

 

Đổi mới tư duy, nhận thức, phương pháp, cách tiếp cận để giải quyết bài toán thực tiễn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vượt qua các khó khăn, thách thức, phát triển Đồng Tháp cân bằng, toàn diện, bền vững. Thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột: Kinh tế nông nghiệp là động lực; công nghiệp chế biến nông sản, vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghiệp bổ trợ là các mũi đột phá.

 

Đồng Tháp nghiên cứu lập Đề án tổng thể "xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh" dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của Đồng Tháp; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu trở thành mô hình mẫu của cả nước.

 

Thủ tướng yêu cầu Tỉnh khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 10 năm 2023, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, không gian phát triển mới; tổ chức công bố, công khai quy hoạch để người dân giám sát việc thực hiện quy hoạch.

 

Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo. Phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả (các tuyến cao tốc, đường kết nối, đường nông thôn, cầu dân sinh). Quy hoạch, xây dựng các cảng thủy nội địa, giao thông đường thủy nội địa. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên (tài nguyên nước, rừng đặc dụng và đa dạng sinh học); bảo vệ môi trường, nhất là các tuyến kênh, rạch. Có kịch bản, giải pháp hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu và việc các quốc gia thượng nguồn hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, nguồn nước xuyên biên giới; xử lý tình trạng sụt lún, sạt lở, ngập úng phải gắn với công tác quy hoạch, sắp xếp bố trí dân cư, nhất là khu dân cư vượt lũ.

 

Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp

Tỉnh phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, tích cực hội nhập hợp tác bền vững với các đối tác. Phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm; hình thành các chuỗi ngành hàng chủ lực gắn với xây dựng thương hiệu, bảo đảm có vùng nguyên liệu ổn định, tăng cường sản xuất các sản phẩm OCOP.

 

Đồng thời, phát triển du lịch gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, phù hợp điều kiện tự nhiên, các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù (du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP, sản phẩm từ sen,…). Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo.

 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cải thiện các chỉ số PAPI, PAR INDEX và SIPAS; đồng hành với doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh kinh tế tư nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với một số quốc gia có tiềm năng. Đa dạng hóa các nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đẩy mạnh phương thức đối tác công tư; quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

 

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Xây dựng cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ…

Bình luận