Hút đầu tư từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 166 Lượt xem

Việc áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng quy trình canh tác mới đã giúp nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình CPF Combine. Ảnh: Võ Dũng.

Thu hoạch tôm nuôi theo mô hình CPF Combine. Ảnh: Võ Dũng.

Sau nhiều năm nuôi tôm quảng canh, hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro cao, đầu năm 2022, ông Trần Văn Dụng tại thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đầu tư hơn 2 tỉ đồng chuyển gần 2 ha của gia đình sang nuôi tôm theo mô hình CPF Combine.

Trên quỹ đất sẵn có ông Dụng bố trí 6 ao nổi với tổng diện tích gần 5.000m2 nuôi tôm thương phẩm. Diện tích còn lại, ông Dụng sử dụng làm ao xử lý nước thải, ao chứa lắng và hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ các ao nuôi đều được thiết kế có dạng hình tròn, được lót bạt, có mái che nhằm đảm bảo môi trường nước ổn định, không bị phụ thuộc vào thời tiết. Hệ thống sục khí được lắp đặt đồng bộ, hợp lý và hoạt động liên tục để vừa cung cấp đủ oxy cho tôm vừa thu gom chất thải trong ao nuôi vào hệ thống xử lý.

Bài liên quan

Với hệ thống được đầu tư hiện đại, ông Dụng nuôi tôm theo quy trình 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tôm được ương trong ao có diện tích 150m2, mật độ 1.600 con/m2. Sau khi ương được 20 ngày, tôm đạt kích cỡ 1.000 con/kg sẽ được chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 2. Ở giai đoạn này tôm được chuyển sang ao nuôi khác có diện tích 700m2 với mật độ 300 con/m2. Sau 40 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 60 con/kg thì chuyển sang nuôi giai đoạn thứ 3. Lúc này tôm tiếp tục được chuyển sang ao nuôi có diện tích 1.200m2, mật độ nuôi giảm xuống còn 200 con/m2 và nuôi về kích cỡ thu hoạch.

Theo ông Dụng, ưu điểm của mô hình CPF Combine là dễ quản lý hoạt động của tôm nuôi. Quy trình nuôi 3 giai đoạn giúp người nuôi dễ kiểm soát dịch bệnh; môi trường ao nuôi trong từng giai đoạn nuôi ít biết động, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sức khỏe và tỉ lệ sống của tôm; giúp xoay vụ nhanh.

Với quy trình này, ông Dụng có thể nuôi nhiều vụ tôm trong năm, ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. “Tôi vừa thu hoạch xong 4 ao nuôi tôm thương phẩm với sản lượng hơn 20 tấn. Trừ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu tôi thu lãi gần 2 tỉ đồng”, ông Dụng phấn khởi.  

Tỉnh Quảng Trị hiện có 50ha nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Võ Dũng.

Tỉnh Quảng Trị hiện có 50ha nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: Võ Dũng.

Đây chỉ là 1 trong số rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao cho lợi nhuận lớn hiện nay tại địa phương. Theo thống kê của ngành nông nghiệp Quảng Trị, thời gian gần đây, để giảm thiểu tác động bất lợi từ môi trường và thời tiết, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư các ao nuôi trồng thủy sản đạt chuẩn. Tổng diện tích được đầu tư nuôi tôm hiện đại trên toàn tỉnh Quảng Trị hiện nay đạt hơn 50ha theo các công nghệ biofloc, semi-biofloc, nuôi 2 - 3 giai đoạn, nuôi trong nhà lưới. Riêng nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ Biofloc giúp tăng năng suất đạt từ 20 - 30 tấn/ha/năm, cao hơn 10 - 15 tấn/ha so với nuôi truyền thống, hiệu quả mang lại từ 500 - 800 triệu đồng/ha.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào nông nghiệp công nghệ cao

Tại huyện Cam Lộ, từ các sản phẩm cây trồng dược liệu truyền thống, hợp tác xã (HTX) dược liệu Trường Sơn đã sản xuất thành công các sản phẩm tinh dầu sả chanh, tinh dầu tràm, tinh dầu khuynh diệp, dầu gội đầu bồ kết, xà bông thảo dược…Trong đó có 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm tinh chất dược liệu dưỡng da cho mẹ và bé Peamom và tinh dầu tràm ngâm củ ném Mộc San.

Hiện tại, HTX dược liệu Trường Sơn đang triển khai thực hiện đề án liên kết trồng cây tràm 5 gân theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế với diện tích dự kiến khoảng 80 ha. Đây là giống tràm mới, được du nhập, chọn giống và lai tạo từ giống tràm của Úc, hàm lượng tinh dầu trong lá cây tràm 5 gân đạt từ 1,5 - 2%, cao gấp 2 - 2,5 lần so với giống tràm gió địa phương.

Hệ thống chưng cất tinh dầu hiện đại của HTX dược liệu Trường Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Hệ thống chưng cất tinh dầu hiện đại của HTX dược liệu Trường Sơn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Thanh Huệ, Giám đốc HTX dược liệu Trường Sơn chia sẻ, để sản xuất hiệu quả lâu dài, cùng với đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, HTX đã đầu tư trên 6 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng, hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị như hệ thống chưng cất, máy phân đoạn tinh dầu… Ngoài sản xuất tinh dầu, các loại dược liệu, HTX còn ký hợp đồng thu mua sản phẩm tinh dầu thô do người dân tự chưng cất như tinh dầu tràm, tinh dầu sả….

Từ nguồn nguyên liệu này, HTX sử dụng máy phân đoạn tinh dầu để loại bỏ tạp chất, tách các đơn chất trong tinh dầu, tạo ra sản phẩm có độ tinh khiết gần như tuyệt đối. Với ưu thế về công nghệ này, HTX đã ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp nguyên liệu chất lượng cao, gia công sản phẩm từ thiên nhiên cho các doanh nghiệp dược lớn như Công ty Đông Nam dược Bảo Linh, Công ty Đông Nam dược Trường Sơn… Doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 5,5 tỉ đồng. HTX dược liệu Trường Sơn tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động thời vụ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có hơn 30 nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả, an toàn, chất lượng cao; hơn 600ha cây trồng gồm hồ tiêu, dược liệu, cây ăn quả, rau, hoa… sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt chứng nhận hữu cơ, VietGAP; trên 60 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất…

Quảng Trị cũng đã cấp chủ trương đầu tư cho 82 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm – ngư – nghiệp. Trong đó có 42 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động mang lại hiệu quả vượt trội. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, nhà lưới của Công ty CP Quỹ đầu tư ISRAEL (D-FARM Quảng Trị) tại xã Kim Thạch (Vĩnh Linh) mang lại thu nhập từ 90 - 100 triệu đồng/500 m2/năm. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tự động trong chăn nuôi giúp tiết kiệm chi phí nhân công từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Đặc biệt, mô hình sản xuất lúa hữu cơ sử dụng giống lúa chất lượng cao ST25 tại HTX Kim Long, xã Hải Quế (Hải Lăng) hay mô hình sử dụng máy bay không người lái phun chế phẩm sinh học và chế phẩm thảo mộc cho cây lúa thay cho phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Việc áp dụng cơ giới hóa giúp tiết kiệm nhân công, giải phóng sức lao động, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, tạo ra được sản phẩm sạch, chất lượng cho người tiêu dùng. Mô hình đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam và được Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá 11.000 đồng/kg, thu rơm với giá 500.000 đồng/ha, mang lại lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thông thường khoảng 7,5 triệu đồng/ha.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp 'nhảy' vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Võ Dũng.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp "nhảy" vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho biết, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp đảm bảo mục tiêu, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách. Về quy hoạch vùng trồng, chăn nuôi tập trung, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương tích hợp, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch tỉnh.

Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Quảng Trị tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực ưu tiên đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên cho các HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.

Bình luận