Mua tôm giống chất lượng được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm

Bình luận · 209 Lượt xem

Để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo người nuôi mua con giống chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm.

Phát hiện tôm bị bệnh IHHNV và EHP

Tháng 9 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên triển khai lấy mẫu tôm thẻ chân trắng giám sát tại các vùng nuôi như thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây (Tuy An), thôn Mỹ Phung, xã Xuân Lộc (TX. Sông Cầu), thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam (TX. Đông Hòa) và lấy mẫu tôm hùm ở thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương (TX. Sông Cầu).

 

Kết quả xét nghiệm, phát hiện 5/6 mẫu dương tính bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV); 4/6 mẫu bệnh vi bào tử trùng (EHP).

 

Bệnh vi bào tử trùng là dịch bệnh nguy hiểm thường gặp trên tôm thẻ chân trắng. Bệnh này do ký sinh trùng gây ra khiến tôm chậm lớn, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của người nuôi.

 

Ông Nguyễn Văn Tiến, một người nuôi tôm thẻ chân trăng ở xã Hòa Hiệp Nam cho biết, thời gian qua do thời tiết phức tạp, môi trường không thuận lợi, bệnh vi bào tử trùng xuất hiện nên gây tôm chết rải rác. Khi tôm dính bệnh sẽ khó nuôi được về size dưới 100 con/kg.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, dấu hiệu nhận biết bệnh vi bào tử trùng trên tôm thường có hiện tượng phân trắng, nhưng chỉ nổi lưa thưa vài hột. Tôm bị bệnh sẽ giảm ăn, đổi nhiều màu sắc và bơi dọc bờ, chứ không nằm sâu dưới đáy như ao nuôi tôm bình thường. Để hạn chế thiệt hại, người nuôi đành thu hoạch “tôm non”, bán giá thấp, chấp nhận thua lỗ.

 

Còn bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do tác nhân Virus IHHNV gây ra.

 

Theo người nuôi, tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh có hiện tượng chủy bị cong hoặc dị hình, vỏ thô ráp sần sùi, râu tôm quăn queo, tôm bị còi cọc. Bệnh này, không có thuốc đặc trị. Tôm bị bệnh cũng khó nuôi về size lớn, năng suất thu hoạch thấp.

 

Phải chọn con giống chất lượng

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, kết quả đợt giám sát cho thấy mầm bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng đang lưu hành tại cả 3 vùng nuôi được giám sát, với tỷ lệ mẫu phát hiện bệnh lần lượt là 83,3% và 66,6%. Vì vậy, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên tôm tại các vùng nuôi trên là rất lớn.

 

Để hạn chế dịch bệnh tôm phát sinh và lây lan trên diện rộng tại các vùng nuôi, ông Trương Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo, các hộ nuôi tuân thủ lịch thời vụ, lựa chọn mua con giống có chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm và phải được kiểm dịch theo đúng quy định.

 

Đồng thời, tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn nhằm hạn chế bệnh phát sinh. Quản lý cho ăn tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nuôi. Hạn chế việc thay, cấp nước vào ao nuôi trong thời điểm vùng nuôi đang có dịch bệnh xảy ra, chỉ thực hiện trong trường hợp cấp thiết. Nước cấp phải được xử lý mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi.

 

Đối với những ao nuôi có mầm bệnh nhưng tôm không chết thì phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, tăng cường sức đề kháng cho tôm, ngăn chặn sự phát tán tôm, môi trường sang các ao nuôi khác. Đặc biệt, cần điều chỉnh các yếu tố môi trường nuôi trong ngưỡng thích hợp, không để biến động mạnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng của tôm nuôi.

 

Đối với những ao nuôi có mầm bệnh và tôm chết, người nuôi kịp thời báo cáo cho thú y xã và UBND cấp xã hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y để hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định. Người nuôi không tự chữa trị, không xả nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nếu tôm bệnh đã đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch theo quy định.

 

Còn tôm bệnh không đạt kích cỡ thu hoạch, không vứt tôm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh ra môi trường, người nuôi phải tiêu hủy tôm mắc bệnh theo đúng quy định. Ngoài ra, xử lý nước ao nuôi, nước thải, khử trùng các dụng cụ, ao bể, nền đáy, diệt giáp xác bằng các loại hóa chất được phép sử dụng, đảm bảo không còn mầm bệnh, dư lượng hóa chất và đảm bảo vệ sinh môi trường.

 

Người nuôi căn cứ vào tình hình thực tế và theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành nuôi trồng thủy sản của địa phương để quyết định nuôi tiếp hay tạm dừng. Nếu nuôi tiếp phải áp dụng quy trình nuôi tôm nước lợ an toàn trong vùng dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản.

 

Được biết, đến tháng 10/2023, toàn tỉnh Phú Yên thả nuôi 2.661ha. Trong đó, hơn 1.900 ha tôm thẻ chân trắng, 260 ha tôm sú, còn lại nuôi cá biển và thủy sản khác. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng trên tôm xảy ra rải rác tại các vùng nuôi, chiếm tỷ lệ gần 4% so với tổng diện tích thả nuôi, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Để phòng, chống dịch bệnh các tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên khuyến cáo, người nuôi lựa chọn con giống chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm và phải được kiểm dịch theo đúng quy định.

 

Đối với tôm hùm và các đối tượng cá nuôi lồng bè đặc biệt lưu ý trong mùa mưa bão, cần tích cực theo dõi thông tin dự báo tình hình thời tiết, thông tin quan trắc cảnh báo môi trường của ngành chức năng để chủ động, kịp thời áp dụng các biện pháp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Bình luận