Thu hút đầu tư du lịch, nông nghiệp vào miền núi Khánh Hòa

Bình luận · 46 Lượt xem

VOV.VN - Khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa vốn có nhiều tiềm năng, lợi thế đang được tiếp tục đầu tư về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu du lịch sinh thái Yang Bay ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh là điểm đến nổi tiếng hơn 20 năm qua của tỉnh Khánh Hòa. Khác với các sản phẩm du lịch biển, đảo tạo nên thương hiệu của Nha Trang - Khánh Hòa, Yang Bay đem đến cảm giác mới mẻ, bởi dây là du lịch sinh thái núi rừng.

Khu du lịch này cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 45km về phía Tây, gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Raglay. Khu du lịch là một thung lũng trải rộng trên diện tích 570 héc ta nằm ở độ cao khoảng 100m so với mực nước biển. Điều làm cho nơi đây thành khu du lịch hấp dẫn chính là những dãy núi nguyên sinh, thác nước hùng vĩ bao quanh thung lũng. Bà Nguyễn Thị Thuận, du khách từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cảm nhận:"Đối với tôi rất thích ở đây, núi rừng như vậy rất hoang sơ, đẹp. Dòng suối, thác chảy chính giữa, hai bên đồi núi, nhìn thấy hoang sơ, cảnh rất thích. Đây là rừng nguyên sinh, hoa lan được treo chỗ này, chỗ kia, đi chỗ nào cũng thấy hoa lan khác nhau, rất đẹp".- Bà Thuận chia sẻ.

Huyện miền Khánh Vĩnh có Quốc lộ 27C ngang qua. Đây là con đường kết nối giữa hai thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Cùng với đó, huyện Khánh Vĩnh còn có hệ thống sông ngòi, rừng núi đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Hiện nay, huyện Khánh Vĩnh đang được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng với nhiều dự án quan trọng như: Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang; Dự án Đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến Tỉnh lộ 656 tỉnh Khánh Hòa, kết nối tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Các dự án này khi hoàn thành sẽ kết nối giao thông liên tỉnh, liên vùng, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Toàn huyện Khánh Vĩnh có 28 dân tộc anh, em từ nhiều miền đất nước về đây sinh sống với nhiều lễ hội đặc sắc. Đó là những lễ hội của đồng bào Raglay, đồng bào T'rin,  đồng bào Tày... Các khu, điểm du lịch trên địa bàn đã phát huy lợi thế tự nhiên, văn hóa để hình thành những sản phẩm đặc sắc như: tắm suối khoáng, biểu diễn nghệ thuật truyền thống Raglay, phục vụ khách du lịch. Ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Khu du lịch Yang Bay, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết:"Khu du lịch chúng tôi tồn tại được là nhờ rừng được nhờ rừng đầu nguồn, tài nguyên rừng, cây xanh ở phía trên được bảo tồn tốt. Như vậy nguồn nước được giữ gìn, hoạt động dưới này được hiệu quả hơn, đẹp hơn. Ở đây có 3 suối chính, có dòng thác rất đẹp. Đặc biệt, suối Hocho có nguồn khoáng nóng tự nhiên, tranh thủ nguồn tài nguyên này để du khách tắm, hưởng thụ, hỗ trợ cho sức khỏe".

Sắp tới, khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa sẽ được đầu tư xây dựng thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng. Địa bàn huyện miền núi Khánh Vĩnh sẽ có 5 tiểu đô thị sinh thái núi rừng gồm: Khu đô thị xã Sông Cầu, Khu đô thị xã Sơn Thái - Liên Sang, Khu đô thị xã Khánh Thượng, Khu đô thị xã Khánh Trung, Khu đô thị xã Khánh Hiệp.

Ông Văn Ngọc Hường, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện đang kêu gọi đầu tư vào 11 dự án trên địa bàn. Dựa vào các lợi thế sẵn có, huyện xác định thu hút đầu tư 3 lĩnh vực gồm: Du lịch, nông nghiệp và công nghiệp. Đối với lĩnh vực du lịch, huyện đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng. Ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Riêng lĩnh vực công nghiệp, huyện sẽ phát triển các cụm công nghiệp, ưu tiên các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ.

"Với huyện Khánh Vĩnh kêu gọi phát triển nông nghiệp công nghệ cao, rất hiệu quả. Đầu ra thì phát triển công nghiệp tiêu thụ, chế biến sản phẩm tại chỗ sau đó xuất đi. Về du lịch sinh thái rất thuận lợi vì có nhiều thác, núi, rừng, sông, suối. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đã xây dựng mô hình văn hóa dân tộc gắn với du lịch, để thu hút đầu tư"- Ông Văn Ngọc Hường nói.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 2 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới là Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Khánh Bình và Dự án Chế biến gỗ dăm Đại Thắng Sông Cầu tại Cụm Công nghiệp Sông Cầu với tổng vốn đăng ký đầu tư 278 tỷ đồng. 3 dự án đang có nhà đầu tư đề xuất, thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư. Trong đó, Dự án Chăn nuôi công nghệ cao Khánh Bình quy hoạch trên diện tích 18,7 ha. Đây sẽ là trang trại chăn nuôi động vật linh trưởng có quy mô và chất lượng hàng đầu, hướng tới hàng năm cung cấp nguồn linh trưởng có chất lượng tốt nhất phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học.  

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị huyện Khánh Vĩnh triển khai hiệu quả các loại quy hoạch gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án trên địa bàn huyện.

"Tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng Khánh Vĩnh trở thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng đậm đà văn hóa dân tộc. Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi các nhà đầu tư du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn liền văn hóa của các dân tộc, hình thành các cụm công nghiệp, xây dựng nhiều nhà máy chế biến. Qua đó, thu hút số lượng lớn con em của đồng bào tham gia lao động, có thu nhập ổn định"- Ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Bình luận