Thủ tướng: Chống khai thác IUU là vì lợi ích quốc gia

Bình luận · 199 Lượt xem

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị thúc đẩy các giải pháp chống khai thác IUU; chuẩn bị đón, làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 4.

 

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp biển. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển. 

 

Thủ tướng đánh giá, công tác chống khai thác IUU thời gian qua đã rất được quan tâm, theo đó đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc củng cố hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế; có các biện pháp về công nghệ, hành chính… để tăng cường quản lý tàu cá phù hợp tình hình mỗi địa phương; kiểm soát việc khai thác ngoài khơi; có các biện pháp tương đối quyết liệt để xử lý vi phạm, kể cả xử lý hình sự; phối hợp giữa các địa phương cũng tốt hơn. Sau 3 đợt thanh tra của EC, kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến.

 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần giải quyết trong thời gian tới; vẫn còn nhiều nhiệm vụ chậm hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kết quả chưa đạt được như mong muốn và còn nhiều việc phải làm như vẫn có tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; việc xử phạt các hành vi vi phạm có nơi, có lúc còn chưa thực sự nghiêm túc…

 

Kiên định trong việc chống khai thác IUU

Thủ tướng nói: “Đánh bắt thủy hải sản là sinh kế lâu đời của ngư dân. Do đó, việc chuyển đổi không phải là việc dễ trong ngày một, ngày hai mà chúng ta phải kiên trì thực hiện”.

 

Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là kiên trì, kiên định trong việc chống khai thác IUU, bảo vệ đại dương, nguồn lợi hải sản, phát triển bền vững; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ; tôn trọng luật pháp quốc tế.

 

Cho rằng, chống khai thác IUU trước hết vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu không ngừng nâng cao ý thức của người dân trong thực thi pháp luật và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cùng với đó, tạo sinh kế, chăm lo việc làm cho người dân, theo hướng tăng nuôi trồng, chế biến, giảm đánh bắt tự nhiên; giải quyết dứt điểm các khuyến cáo của các nước, tổ chức trong khai thác hải sản; không để phát sinh các phát sinh mới và không để xảy ra tình trạng khai thác IUU.

 

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan thống nhất nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hành động quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khẩn trương hoàn thành việc khắc phục các tồn tại, hạn chế; thực hiện có kết quả các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.

 

Tập trung thực hiện các biện pháp mạnh

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài.

 

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Phối hợp với các cơ quan tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quản lý ngư dân, tàu cá, hoạt động đánh bắt…

 

Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; đặc biệt là chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong việc đón và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC một cách công tâm, khách quan, trách nhiệm, đảm bảo đạt kết quả tốt nhất, hướng tới sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

 

Thủ tướng nhắc nhở: “Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của EC”.

 

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển và các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở cần đẩy mạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó có công tác quy hoạch, nuôi trồng và chế biến hải sản, tạo công ăn việc làm, sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân, còn hoạt động đánh bắt cần theo hướng phát triển bền vững; tuyên truyền, giáo dục, động viên ngư dân hoạt động theo đúng pháp luật Việt Nam và quốc tế.

 

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tàu cá địa phương khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng với kết quả thực hiện.

 

Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, các hiệp hội, các doanh nghiệp tiếp tục chung tay, đồng hành cùng hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng trong thực hiện các quy định về IUU, không thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc IUU.  

 

Với ngư dân, Thủ tướng cho rằng cần đề cao ý thức, trách nhiệm công dân trong sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia đóng góp bảo vệ môi trường và phát huy nghĩa vụ công dân trong quan hệ với các nước.

 

“Chúng ta lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực phát triển, nếu mọi người dân làm tốt, thực hiện hiệu quả thì cả nước mới làm tốt, thực hiện hiệu quả. Cần làm sao để người dân có ý thức, thực hiện nghiêm ‘đi khai, về báo’ một cách tự giác vì lợi ích của chính mình và của cộng đồng, của đất nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo, Thủ tướng kêu gọi tinh thần trách nhiệm và hành động của tất cả các cấp, các ngành trong công tác chống khai thác IUU, nhất là người đứng đầu, đặc biệt là cấp cơ sở - nơi trực tiếp tiếp xúc, quản lý ngư dân.

 

Thủ tướng đề nghị coi đây là một tiêu chí xem xét trong đánh giá công tác điều hành, quản lý, xếp loại cán bộ các cấp năm 2023 và các năm tiếp theo; xã nào, huyện nào, tỉnh nào không hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt nếu để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích chung thì người đứng đầu được xem là không hoàn thành nhiệm vụ và cần có chế tài xử lý. 

 

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, cần nghiêm túc thực thi công vụ, cương quyết xử lý vi phạm nhưng chia sẻ với khó khăn của người dân, có cách làm hợp lý, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng địa phương, điều căn bản nhất là cần chăm lo, hỗ trợ sinh kế người dân, đồng thời đề cao ý thức và trách nhiệm của người dân, tránh vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, tránh vì lợi ích cá nhân, cục bộ mà quên đi lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

Đoàn Thanh tra của EC sẽ làm việc tại Việt Nam từ ngày 10-18/10

 

Theo kế hoạch dự kiến, Đoàn Thanh tra của EC sẽ làm việc tại Việt Nam từ 10-18/10. Cụ thể, ngày ngày 10/10, Đoàn sẽ đến Việt Nam.

 

- Ngày 11-15/10, Đoàn sẽ làm việc với Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm tra thực địa tại cảng cá chỉ định theo Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và tại địa phương.

 

- Ngày 16-17/10, sẽ làm việc kỹ thuật với Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường và các đơn vị có liên quan.

 

- Ngày 18/10, Đoàn đối thoại cấp cao với lãnh đạo Bộ NN-PTNT. Dự kiến chiều 18/10, Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống IUU tiếp Đoàn.

 

Hồng Thắm

Bình luận