Bệnh hoại tử gan tụy cấp dai dẳng ở vùng nuôi tôm

Bình luận · 88 Lượt xem

Bệnh hoại tử gan tụy cấp có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ gây chết cao, bệnh lưu hành dai dẳng tại vùng nuôi tôm Sóc Trăng nhiều năm qua gây thiệt hại lớn.

Tính đến đầu tháng 7/2024, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng đạt trên 32.000ha. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại ghi nhận gần 1.200ha, trong đó, gần 500ha là do tôm bị bệnh, nhiều nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, bệnh hoại tử gan tụy cấp có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ gây chết cao, có thể đạt đến 90%, sau 3 - 5 ngày phát hiện bệnh. Do đó, các biện pháp phòng ngừa, xử lý bệnh đang được cơ quan chuyên môn phổ biến rộng rãi đến từng vùng nuôi nhằm hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Tại các vùng nuôi ở huyện Cù Lao Dung, diện tích thả tôm nước lợ 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước, mới đạt gần 2.400ha. Tác động của môi trường, thời tiết khiến tôm nuôi dễ nhiễm bệnh. Trong khi đó, giá thu mua tôm thương phẩm liên tục bão hòa ở mức thấp, đây là những nguyên nhân chính khiến người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư cho vụ sản xuất.

Ông Đặng Quốc Chí, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết, để tăng cường công tác cảnh báo, phòng chống dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với ngành chăn nuôi và thú y tỉnh cử cán bộ thực hiện quan trắc nguồn nước thường xuyên tại 2 điểm cố định trên địa bàn huyện Cù Lao Dung.

Còn tại vùng nuôi thuộc huyện Mỹ Xuyên, Phòng NN-PTNT huyện ra khuyến cáo hộ nuôi thả tôm theo hình thức thăm dò, thực hiện kỹ lưỡng khâu cải tạo ao, đồng thời phân tích kỹ các chỉ số pH, độ mặn… trước khi tiến hành thả tôm.

Đến nay, toàn huyện Mỹ Xuyên đã thả nuôi được 15.000ha tôm nước lợ, đạt khoảng 80% so với kế hoạch. Mặc dù diện tích thiệt hại hiện chiếm 4,5% tổng diện tích thả nuôi, nhưng vẫn còn trong ngưỡng an toàn trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp.

Vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện đã lấy 117 mẫu tôm bị thiệt hại gửi đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng xét nghiệm, kiểm tra mầm bệnh. Kết quả cho thấy, có 17 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp.

Để tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, ngành nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 3 tấn Chlorine cho hộ nuôi xử lý những ao tôm bị thiệt hại, tránh lây lan ra diện rộng.

Tiến độ thả nuôi tôm nước lợ 2024 tại huyện Cù Lao Dung đang chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Ảnh: Văn Vũ.

Tiến độ thả nuôi tôm nước lợ 2024 tại huyện Cù Lao Dung đang chậm hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Ảnh: Văn Vũ.

Đến nay, kinh nghiệm phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp của hộ nuôi đã có chuyển biến đáng kể. Tại HTX Thủy sản Hưng Phú, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung, các hộ nuôi ngoài nâng cấp quy trình theo hướng cải tiến, bà con cũng tuân thủ tốt phương châm “nuôi nước trước khi nuôi tôm”.

Áp dụng nuôi tôm theo hình thức tuần hoàn nước, kết hợp ưu tiên sử dụng men vi sinh. Tôm giống trước khi thả xuống ao nuôi, bà con tiến hành ương trong ao bạt khoảng 30 ngày, sau đó thả ra ao lưới, lúc này tôm đã có sức đề kháng tốt hơn.

Theo ông Trần Quang Cần, Giám đốc HTX Thủy sản Hưng Phú, cách làm này giúp hộ nuôi dễ dàng kiểm soát môi trường nước, quản lý và ngăn ngừa được bệnh hoại tử gan tụy cấp cho tôm nuôi.

Kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm PCR để loại bỏ những lô tôm giống mang mầm bệnh. Ảnh: Kim Anh.

Kiểm tra bằng cảm quan kết hợp với xét nghiệm PCR để loại bỏ những lô tôm giống mang mầm bệnh. Ảnh: Kim Anh.

6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã thu 227 mẫu giám sát dịch bệnh tại các ao nuôi bị thiệt hại. Kết quả có 53 mẫu dương tính với hội chứng hoại tử gan tụy cấp.

Ngành chuyên môn đánh giá, bệnh hoại tử gan tụy cấp đã lưu hành nhiều năm qua tại vùng nuôi, trở thành một trong những tác nhân chủ yếu gây thiệt hại cho diện tích nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

Ông Trần Tuấn Phong, Trưởng phòng Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo, quá trình cải tạo ao, hộ nuôi cần sên vét hết bùn đen từ vụ trước. Đồng thời, diệt hết các loài giáp xác (cua, còng, tôm tạp…) có khả năng mang mầm bệnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, có ao lắng, ao xử lý nước. Nguồn nước trước và sau khi sử dụng phải được xử lý, tiêu diệt mầm bệnh bằng các loại hóa chất được Bộ NN-PTNT cho phép sử dụng. Nước cấp vào ao phải lọc qua lưới dày để tránh trứng và ấu trùng của giáp xác mang bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, hướng dẫn hộ nuôi tôm các giải pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp. Ảnh: Văn Vũ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, hướng dẫn hộ nuôi tôm các giải pháp phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp. Ảnh: Văn Vũ.

Trường hợp phát hiện tôm dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, thực hiện 3 không: không giấu dịch; không xả nước thải chưa qua xử lý; không xả bỏ tôm chết, bệnh ra môi trường.

Trong vài tuần tới, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng nhiều khả năng tăng mạnh, để kịp thời cung ứng tôm nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu. Để đạt hiệu quả nuôi như mong muốn, cơ quan chuyên môn khuyến cáo hộ nuôi chuẩn bị tốt mọi mặt trước khi khởi động vụ nuôi mới.

Bình luận