Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Sơn La

Bình luận · 192 Lượt xem

Thời gian qua, việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Sơn La đã được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Tại các huyện, thành phố, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Trong đó, phải kể tới việc triển khai các giải pháp trong ứng dụng công nghệ cao tại huyện Mai Sơn, nơi được đánh giá là một trong những địa bàn tiêu biểu của tỉnh Sơn La.

Huyện Mai Sơn là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Sơn La với hơn 11.000ha cây ăn quả các loại, năm nay sản lượng ước đạt hơn 90.000 tấn. Các sản phẩm nông sản của huyện ngày càng khẳng định được thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế.

Mai Sơn là huyện có tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai bằng phẳng, thổ nhưỡng màu mỡ, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 95,2% đất tự nhiên.

Tại địa bàn huyện có những phiêng bãi màu mỡ với vùng cao nguyên Nà Sản rộng lớn đã hình thành phát triển các vùng cây ăn quả, cây công nghiệp, vùng nguyên liệu gắn liền với nhà máy chế biến. Đây là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và các mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Huyện Mai Sơn là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Sơn La với hơn 11.000ha cây ăn quả các loại, năm nay sản lượng ước đạt hơn 90.000 tấn. Các sản phẩm nông sản của huyện ngày càng khẳng định được thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế.

Sâm trồng tại Sơn La được đánh giá có chất lượng ngang như sâm Việt Nam.

Đồng chí Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn, cho biết: ngay từ đầu năm, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đồng bộ và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện.

Trong đó, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt và đặc biệt là sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cho nông sản của huyện Mai Sơn và tổ chức liên kết, giới thiệu các sản phẩm. Sắp xếp tái cơ cấu lại các hợp tác xã hoạt động không hiệu quả. Hỗ trợ mở rộng cơ sở có nhu cầu cấp mã số đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Sơn La ảnh 2

Hợp tác xã cà-phê Bích Thao đã ứng dụng nhiều máy móc với dây chuyền hiện đại trong sản xuất, chế biến sản phẩm cà phê theo hướng hữu cơ.

Về huyện Mai Sơn, theo chân cán bộ chuyên môn huyện đến thăm các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mới thấy được những nỗ lực của huyện cũng như những người làm nông nghiệp nơi đây.

Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế đã hình thành trên vùng đất Mai Sơn với những vườn cây ăn quả xanh ngát được ứng dụng hệ thống tưới nước chủ động, sản xuất theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP...

Ông Nguyễn Quốc Hội, Phó Giám đốc hợp tác xã Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, cho biết: hợp tác xã thành lập năm 2018 với 20 thành viên. Từ khi thành lập, hợp tác xã đã xây dựng quy chế, yêu cầu thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP; có sổ theo dõi thời gian trồng, quá trình sinh trưởng và phát triển.

Hợp tác xã có 100ha na Thái và na dai, năng suất 13 tấn đến 15 tấn/ha, cho thu hoạch từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 12 dương lịch. Hiện giá bán từ 30.000-35.000 đồng/kg na dai, 50.000-55.000 đồng/kg na Thái. Sau khi trừ chi phí, thu lãi 400 triệu đồng đến 600 triệu đồng/ha.

Chia sẻ thêm về việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn, cho biết: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mai Sơn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 25/2/2021 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được huyện Mai Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 25/2/2021 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư huyện ủy Mai Sơn

Sau hơn 2 năm triển khai, nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân trên địa bàn được nâng lên, quy mô, diện tích sản xuất, đối tượng tham gia thực hiện ngày càng mở rộng.

Đến nay, tại địa bàn huyện Mai Sơn đã phát triển được mô hình trồng sâm Ngọc Linh duy nhất ở vùng Tây Bắc, đã có 3 sản phẩm OCOP đạt 4 sao đều từ sâm Ngọc Linh. Đây là mô hình được đánh giá cao và hiện đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng, mở ra một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Sơn La ảnh 3

Diện tích cây ăn quả ở các xã của huyện Mai Sơn được người dân đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động.

 

Tiếp tục đến xã Nà Bó, thăm vườn thanh long của hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, ấn tượng những trụ bê-tông phủ kín cây thanh long với những quả to, tròn, đỏ rực cả một vùng. Đây cũng là một trong những hợp tác xã đã sớm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao được giá trị canh tác trên mỗi diện tích cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, nói: hiện nay, hợp tác xã đang trồng gần 100ha thanh long theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã đang liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu trồng thêm 100ha thanh long ruột đỏ. Về sản lượng mỗi năm đạt hơn 2.500 tấn, bán được 20.000 đồng đến 22.000 đồng/kg, thu nhập 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Qua trao đổi được biết, từ năm 2020 đến nay, hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng đã xuất khẩu 600 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Pháp, Anh, Nga, Hàn Quốc. Ngoài ra, các thành viên hợp tác xã còn thực hiện kỹ thuật rải vụ, điều khiển thanh long ra quả vào đúng dịp Tết Nguyên đán với giá bán 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá bán chính vụ.

Huyện Mai Sơn đã thành lập tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của huyện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi.

Mô hình trồng nấm ở phường Tân Hiệp, thị xã Tân Uyên.

Đồng thời, phối hợp các doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến. Lồng ghép sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất cây giống và rau thương phẩm; xây dựng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại 4 xã trên địa bàn huyện; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư kho lạnh, lò sấy nông sản hướng tới đầu tư chế biến sâu; hỗ trợ xây dựng các chuỗi thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn...

Với mục tiêu xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện xây dựng vùng cây trồng ứng dụng công nghệ cao đối với các diện tích nhãn, xoài, na và cà phê, những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, tiêu biểu của địa phương.

Đến nay, các đơn vị, tổ chức đoàn thể đã làm việc với Đảng ủy 7 xã, thị trấn thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Huyện Mai Sơn đã thành lập tổ công tác phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản của huyện; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, định hướng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi.

Cùng với tập trung đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, huyện Mai Sơn cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được triển khai và nhân rộng.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển diện tích cây ăn quả có lợi thế được tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Mai Sơn đã trồng mới được 1.107ha cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả lên 11.000ha, đạt 95,6% so với chỉ tiêu nghị quyết.

Trong đó, 3.500ha cây ăn quả sản xuất theo hướng công nghệ cao, đạt 64,8% kế hoạch, 1.200ha cây ăn quả theo hướng hữu cơ, bằng 50% chỉ tiêu nghị quyết; hơn 985ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, tăng 608,8ha so với năm 2020; gần 998ha cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 706,9ha so với năm 2020.

Huyện có 51 doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tăng 41,2% so với năm 2020; có 1.217ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Sơn La ảnh 5

Người dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn thu hoạch cà phê được trồng theo hướng hữu cơ.

Đến nay, huyện Mai Sơn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao và có 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, huyện còn phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cà-phê, mía, ngô giống, sắn, ngô ngọt, đậu tương, rau... gắn với các nhà máy chế biến. Diện tích liên kết sản xuất đạt 8.622ha; duy trì, phát triển 47 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, với tổng diện tích hơn 2.397ha.

Huyện Mai Sơn phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 5.400ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 2.700ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ; giá trị thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao; 70% các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGap; 50% diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hằng năm, sản xuất từ 25% sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu; 30% phục vụ tiêu dùng trong nước; 45% phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh...

Bình luận