Một người Quảng Trị biến đồng hoang thành trang trại nuôi lợn, nuôi cá, nuôi tôm, trồng lúa, thu tiền tỷ

Bình luận · 95 Lượt xem

Từ vùng đầm lầy hoang hoá, ông Hồ Văn Dương, thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, (tỉnh Quảng Trị) cùng gia đình đã cải tạo xây dựng chuồng trại, ao hồ để nuôi lợn và thực hiện mô hình lúa - cá, nuôi tôm càng xanh, kiếm

Khởi nghiệp với mô hình lúa – cá

 

Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi đến thăm trang trại rộng 7ha của gia đình lão nông Hồ Văn Dương (59 tuổi, trú thôn An Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị).

 

Trái với không gian nóng nực bên ngoài, khi bước vào khu vực trang trại của ông Dương, hơi nước từ 6 hồ cá hoà quyện với không gian xanh dưới bóng dừa khiến mọi thứ trở nên dễ chịu.

 

Sau khi thưởng thức ly nước lá vối, ông Dương dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh trang trại. Vừa đi, ông Dương vừa kể, học hết lớp 12, ông tham gia nghĩa vụ quân sự ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Sau khi xuất ngũ, ông Dương trở về quê, được chính quyền địa phương tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ như phụ trách đài truyền thanh xã, nhân viên lâm nghiệp, cán bộ văn hoá thông tin xã…

 

Ông Dương còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thanh (nay là xã Thanh An) từ năm 2004-2008. Trong mọi nhiều vụ được giao, ông Dương đều hoàn thành tốt.

 

Kể về quá trình làm giàu từ nông nghiệp, ông Dương cho biết, trong những năm đảm nhận công việc thông tin, tuyên truyền của xã, ông có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin từ truyền thanh, sách báo, tivi… Trong đó, ông đặc biệt chú ý đến Báo Nông thôn Ngày nay, thường viết về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. 

 

Trong một lần đọc báo Nông thôn ngày nay, ông Dương bắt gặp thông tin về mô hình lúa – cá ở các tỉnh phía Bắc mang lại thu nhập cao cho nông dân. Từ đó ông Dương tìm hiểu sâu hơn, rồi đam mê lúc nào không hay. 

 

"Trăm nghe không bằng một thấy", có thời gian ông Dương còn ra tận tỉnh Ninh Bình, Hà Nam, trực tiếp gặp những nông dân thành công để học mô hình lúa – cá.

 

Năm 2003, thấy vùng đầm lầy cách nhà khoảng 1,5km bị bỏ hoang, phù hợp với mô hình lúa – cá nên ông Dương viết đơn thuê 7ha và được chính quyền xã chấp thuận.

 

Vay, mượn, tích góp số tiền quy đổi khoảng 7 cây vàng, ông Dương thuê máy múc đất đắp đê bao quanh vùng đất được thuê. 

 

Kênh nước rộng 6 đến 10 mét, sâu 1 mét hình thành từ việc múc đất đắp đê bao được ông Dương thả các loại cá trắm, mè, rô phi và cá tự nhiên như trê, lóc, cá diếc… để nuôi. Ở giữa là vùng đất ruộng bằng phẳng, được ông Dương trồng lúa.

 

Ông Dương cho biết, trước khi gieo lúa sẽ rút nước thấp hơn mặt ruộng để cá xuống kênh. Khi lúa đã xanh tốt thì dâng nước lên cho cá ra giữa ruộng kiếm ăn. Tuy nhiên, phải tính toán thời gian nuôi và dùng lưới ngăn chặn cá trắm cỏ lên mặt ruộng. Bởi nếu để cá trắm cá lên mặt ruộng thì không còn cây lúa nào sống sót.

 

Như vậy, cá trắm cỏ sẽ được giữ lại ở dưới kênh để cho ăn cỏ. Các loại cá khác được cho lên mặt ruộng ăn phù du, rong tảo… giữa ruộng.

Bình luận