Kiến nghị cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp

Bình luận · 183 Lượt xem

Ngày 12, 13/10 tới, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VIII với chủ đề Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp và lần đầu tiên biểu dương 63 hợp tác xã tiêu

Nhân các sự kiện này, PV Báo NTNN/điện tử Dân Việt đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Cường- Q. Trưởng Ban Kinh tế (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) về kết quả, ý nghĩa của các sự kiện nói trên.

 

Theo ông Nguyễn Tiến Cường: Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước, đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

 

Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế hộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nông dân.

 

Ông có thể cho biết, những kết quả đã đạt được trong những năm qua của Hội Nông dân các cấp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, vận động thành lập các HTX, THT trong nông nghiệp?

 

- Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển KTTT, HTX là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội, chú trọng xây dựng các mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động theo phương thức "5 tự", "5 cùng", góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia phát triển KTTT, HTX. Đến nay cả nước đã có 3.645 chi Hội Nông dân nghề nghiệp với 112.594 hội viên, 36.363 tổ Hội Nông dân nghề nghiệp với 482.362 hội viên. Đây là đơn vị hành động, cầu nối giữa cơ sở Hội với hội viên nông dân được tổ chức theo thôn, bản, làng, khu phố và theo nghề nghiệp; qua đó tập hợp, thu hút hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế hộ, tạo tiền đề phát triển KTTT, HTX ở địa phương.

 

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng và phát triển các loại hình KTTT phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực; tư vấn, hướng dẫn nông dân các bước thành lập THT, HTX, liên hiệp HTX từ khâu khảo sát, lập dự án đến tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đến hết năm 2022, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập 22.374 mô hình KTTT hoạt động có hiệu quả, trong đó có gần 3.800 HTX nông nghiệp và 19.976 THT nông nghiệp. 

 

Doanh thu bình quân hàng năm trên 5,5 tỷ đồng/HTX (lợi nhuận đạt 350 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân/thành viên/năm đạt 51,5 triệu đồng) và trên 400 triệu/THT (lợi nhuận đạt trên 41 triệu/THT); trên 700 hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên (chiếm gần 20%); các mô hình HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị ngày càng tăng, nhiều HTX đã đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP.

 

Từ những kết quả đạt được nói trên, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công đối với việc Hội NDVN tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp như thế nào?

 

- Một trong những các hỗ trợ căn bản của Hội NDVN đối với các THT, TH, đó là: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm của HTX nông nghiệp; phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, giao thương, kết nối cung - cầu, hỗ trợ cho 1.328 HTX. Theo đó, Trung ương Hội đã phối hợp tổ chức 62 Hội chợ nông nghiệp - thương mại và Festival nông nghiệp cấp khu vực; duy trì hàng năm Lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cho trên 300 sản phẩm của các HTX được bình chọn trong cả nước.

 

Hội Nông dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp tổ chức 853 hội chợ, triển lãm, giới thiệu, xúc tiến thương mại; liên kết với doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối ký kết 2.761 hợp đồng tiêu thụ nông sản của các HTX; hỗ trợ chuẩn hóa 322 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu tập thể cho 387 loại nông sản chủ lực của địa phương; điển hình là trong 02 năm 2018-2019, đã hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc đối với 265 loại hàng hóa nông sản, thực phẩm của 240 HTX nông nghiệp; hỗ trợ cấp xác nhận thực phẩm an toàn cho 59 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

 

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ và kỹ thuật cho các HTX nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình điểm, trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản.

 

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2022, đã phối hợp tổ chức trên 7.300 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ và kỹ thuật mới về nông nghiệp và các nghề tiểu thủ công nghiệp cho trên 700.000 lượt thành viên HTX, THT; tổ chức 342 cuộc hội thảo, hội nghị giới thiệu và chuyển giao các sản phẩm kỹ thuật, máy móc, dây chuyền sản xuất, đóng gói, bảo quản cho các sản phẩm đặc hữu của địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, Global, rau quả trong nhà lưới, nhà màng, cấy ghép và một số sản phẩm rau quả được sản xuất theo hướng hữu cơ.

 

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên nông dân là thành viên các THT, HTX. Chỉ tính trong giai đoạn 2018-2022, đã hỗ trợ vốn cho các nhóm hộ với hơn 9.000 dự án (quy mô 300-500 triệu/dự án) từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân với tổng dư nợ trên 15.000 tỷ đồng; thực hiện tín chấp với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để ủy thác cho vay đối với hơn 3 triệu lượt hộ với tổng dư nợ trên 140.000 tỷ đồng; phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi với gần 11.000 tỷ đồng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ, trang trại, gia trại.

 

HTX nông nghiệp Đức Lân (Yên Phong, Bắc Ninh)- một trong 63 HTX tiêu biểu; đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia, sản xuất trên diện tích gần 60ha, với doanh thu 6,6 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm HTX thu lãi trên 2,5 tỷ đồng. Ảnh: Khương Lực

 

Còn đối với các khó khăn, hạn chế của các HTX, THT hiện nay, ông có đánh giá như thế nào?

 

- Có thể thấy, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển KTTT trong nông nghiệp; các mô hình KTTT, các THT, HTX do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Tuy nhiên quy mô các HTX còn nhỏ, liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị còn yếu, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm; chưa gắn kết chặt chẽ với các loại hình kinh tế khác. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu là do vai trò của Hội tham gia phát triển KTTT, HTX chưa được thể chế hóa trong quy định của pháp luật; nguồn lực dành cho các cấp Hội trong tổ chức các hoạt động tham gia phát triển KTTT, HTX còn hạn chế.

 

Nghị quyết số 20- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới kinh tế tập thể trong tình hình mới có đề ra mục tiêu rất cụ thể về thành lập mới các HTX, THT với số lượng đến năm 2030 có 45.000 HTX. Với vai trò của mình, trong giai đoạn tiếp theo, Hội NDVN sẽ triển khai những giải pháp gì để phát triển mới các HTX, THT?

 

- Để thực hiện mục tiêu đã được Đảng đề ra và từ những kết quả thực tiễn, cũng như vai trò, nhiệm vụ, chức năng của mình, Hội NDVN sẽ tập trung triển khai vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

 

Thứ nhất, tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Hội thực hiện công tác hỗ trợ phát triển KTTT. Phấn đấu đến năm 2025 có 100% cán bộ Hội các cấp làm công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về KTTT, HTX; ít nhất 80% cán bộ Hội các cấp được nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX và đến năm 2030 tỷ lệ này đạt 100%.

 

Thứ hai, tuyên truyền, vận động, tư vấn và hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập mới các THT, HTX trong nông nghiệp, trong đó đến năm 2025 thành lập mới ít nhất 600 HTX, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 15.000 hội viên nông dân; thành lập mới ít nhất 4.000 THT, tạo việc làm thời vụ cho khoảng 40.000 hội viên nông dân; đến năm 2030 tương ứng là 1.600 HTX với 40.000 thành viên và 8.000 THT với 80.000 thành viên.

 

Thứ ba, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập, đảm bảo 100% các HTX được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX; số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm bình quân mỗi năm tăng khoảng 5%.

 

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp do Hội Nông dân hỗ trợ thành lập; phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% số cán bộ chủ chốt HTX được tham gia ít nhất một khóa tập huấn, bồi dưỡng và đến năm 2030 tỷ lệ này đạt ít nhất 85%.

 

Thứ năm, tập trung hỗ trợ cho các THT, HTX ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường các hoạt động triển lãm, giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các THT, HTX; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, mã vùng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của các HTX. Phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 25% HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn thành lập được hỗ trợ, ít nhất 30% HTX liên kết với doanh nghiệp, tổ chức KTTT khác, tương ứng đạt tỷ lệ 40% và 45% vào năm 2030.

 

Thứ sáu, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn phát triển KTTT, HTX từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, vốn ủy thác của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp.

 

Ông Nguyễn Trính, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng (Bà Rịa- Vũng Tàu), là một trong 63 HTX được biểu dương lần này. Ảnh: Nha Mẫn.

 

Để thực hiện được các mục tiêu, giải pháp nêu trên, Hội NDVN có đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ, các Bộ, ngành, thưa ông?

 

- Để phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT, HTX, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp chính như sau:

 

Một là, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh bố trí nguồn vốn cho Hội Nông dân Việt Nam để hỗ trợ thành lập, củng cố các HTX hoạt động hiệu quả, thực chất; hàng năm trích ngân sách bổ sung vốn cho quỹ hỗ trợ nông dân các cấp phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước; giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân trực tiếp tham gia thực hiện, phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển KTTT, HTX theo kế hoạch hàng năm, 5 năm.

 

Hai là, các Bộ, ngành và UBND cấp tỉnh ưu tiên lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phát triển KTTT, HTX do Hội Nông dân Việt Nam thực hiện phù hợp theo từng cấp trong các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn.

 

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong nông nghiệp và mở rộng thị trường, giới thiệu tiêu thụ sản phẩm của các HTX; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực các tổ chức KTTT do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập.

 

Bốn là, kịp thời khen thưởng, biểu dương, tôn vinh các HTX, các mô hình KTTT hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến để tạo sức lan tỏa, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển KTTT, HTX.

 

Cũng trong dịp này, lần đầu tiên Trung ương Hội NDVN sẽ tổ chức Biểu dương 63 HTX tiêu biểu toàn quốc cùng với 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc tổ chức biểu dương này?

 

- Từ các kết quả đã đạt được và hoạt động có hiệu quả của các HTX, THT, Đảng đoàn Hội NDVN đã ban hành Kế hoạch số 42-KH/ĐĐHNDVN ngày 25/11/2022 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó, có nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, biểu dương các HTX tiêu biểu.

 

Trên cơ sở đó, Thường trực Trung ương Hội NDVN đã thành lập Hội đồng Bình chọn các HTX tiêu biểu toàn quốc và đã lựa chọn ra được 63 HTX tiêu biểu nhất đại diện cho 63 tỉnh, thành để biểu dương. Hoạt động biểu dương này nhằm kịp thời cổ vũ, động viên các HTX tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tích cực mở rộng sản xuất, thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia.

 

Đồng thời, tiếp tục tạo sức lan tỏa để phát triển mạnh các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, đưa kinh tế tập thể ngày càng phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận