Đây là khu rừng kỳ lạ ở Quảng Nam, nơi bà con dân tộc Xơ Đăng cất giấu một thứ bất ngờ không kém

Bình luận · 186 Lượt xem

Khu rừng thiêng dưới chân núi Ngọc Linh, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) là nơi gắn với linh hồn của mỗi con người, được đồng bào dân tộc Xê Đăng gìn giữ như chính sinh mạng của mình.

Dưới chân núi Ngọc Linh (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) có một khu rừng làm nơi… cất nhau, rốn của những đứa trẻ Xê Đăng mới chào đời.

 

Đây là khu rừng thiêng được đồng bào gìn giữ như giữ chính sinh mạng của mình.

 

 Gắn máu thịt với rừng thiêng

Tháng Tư, nắng miền Trung cháy rát, chân núi Ngọc Linh vẫn giữ được không khí mát mẻ lạ thường. Hồ Văn Chuẩn (27 tuổi, ở nóc Xà Ling, thôn 1, xã Trà Linh) băng qua những quả đồi, vào nơi cất rốn của đứa con trai 10 tháng tuổi. “Mấy hôm nay con tôi bị mệt, không biết đùm rốn có bị rơi xuống đất không”, Chuẩn nói.

 

Người đàn ông Xê Đăng bước đi thoăn thoắt trong rừng già. Nơi cây rừng rậm rạp, Chuẩn cẩn thận nép người tránh khỏi những cành cây nhô ra. Chuẩn dặn: “Anh đi cẩn thận, đừng làm gãy cây rừng, làng phạt vạ đó”.

 

Hỏi ra mới biết, người đồng bào Xê Đăng ở đây có hai khu rừng. Một là “rừng ma” (nghĩa địa), hai là “rừng rốn”. Những đứa trẻ Xê Đăng ở đây khi vừa sinh ra, cuống rốn sẽ được người thân mang vào rừng cất giữ. Cuống rốn được bọc cẩn thận, treo trên cây.

 

Theo quan niệm của đồng bào Xê Đăng, “rừng rốn” là nơi linh thiêng hàng đầu, thậm chí còn linh thiêng hơn cả “rừng ma”. Bởi đây là nơi gắn với linh hồn của mỗi con người, nơi mang lại điềm lành cho những người dân.

 

Với họ, chỉ khi chết thì con người mới được chôn xuống đất. Còn những sinh linh mới chào đời thì phần nhau thai, cuống rốn phải được treo lên thân cây để hưởng ánh sáng của trời.

 

Những cây cổ thụ của rừng sẽ bao bọc cho chính đứa trẻ có nhau được treo vào thân cây đó, tiếp thêm sinh khí cho những đứa trẻ.

 

Sau nửa giờ cuốc bộ, Hồ Văn Chuẩn dừng lại ở một góc rừng. Nơi đây có một phiến đá lớn với những thân cây cổ thụ đều được buộc những túi nhỏ bằng vải, ni lông.

 

Có gốc buộc 5 - 7 túi, có gốc mới buộc 1 túi. Ở đây có đến hàng trăm túi nhau, rốn của người Xê Đăng.

 

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, Chuẩn giải thích: “Không có quy định về số lượng túi rốn trên mỗi cây. Ở đây gia đình nào có con thì chọn một gốc cây, mỗi túi là nhau, rốn của một đứa trẻ. Như bên kia có 4 túi, gia đình đó có 4 người con”.

 

Xong, Chuẩn tiến đến gốc cây nơi treo rốn của con trai mình, ngó nghiêng qua lại, túi nhau rốn vẫn còn nguyên trên cây, Chuẩn nói: “May quá, vậy là không sao rồi”.

 

Theo lời Chuẩn, đùm rốn trên thân cây không bị rớt xuống suốt đời con cái sẽ mạnh khỏe. Còn nếu đùm rốn rớt xuống thì con cái có chuyện không lành. Thế nên, Chuẩn cũng như những người đàn ông có con ở vùng này thi thoảng lại vào rừng rốn để kiểm tra, đảm bảo nhau, rốn vẫn an toàn trên cây.

Bình luận