Điển hình như xã Lương Hòa, huyện Châu Thành luôn xác định việc thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Để phong trào đi vào chiều sâu, xã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nội dung công tác vận động quần chúng và thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo” vào chương trình công tác hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về phong trào thi đua “dân vận khéo” đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, củng cố phát triển tổ chức, vận động Nhân dân theo phương châm hướng về cơ sở.
Trên cơ sở đó, xã triển khai xây dựng các mô hình dân vận khéo phù hợp với từng đối tượng, giai đoạn cụ thể; huy động sự tham gia tự giác, tích cực của đông đảo đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là XDNTM, văn minh đô thị và NTM nâng cao.
Qua triển khai thực hiện đã tác động tích cực đến nhận thức, cán bộ, hội viên, đoàn viên và quần chúng Nhân dân. Từ đó tạo được phong trào thi đua sâu rộng có nhiều mô hình của tập thể và cá nhân đăng ký thực hiện trên các lĩnh vực.
Từ đầu năm 2023 đến nay, xã đăng ký thực hiện 21 điểm mô hình tập thể và cá nhân ở 04 lĩnh vực: 04 điểm mô hình kinh tế, 14 điểm mô hình văn hóa - xã hội, 02 mô hình quốc phòng - an ninh, 01 mô hình xây dựng hệ thống chính trị. Một số mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo, nổi bật nhóm mô hình trong phát triển kinh tế như: trồng rau an toàn của Chi bộ ấp Bót Chếch, nuôi ốc bươu ở ấp Ô Chích A, nuôi ếch của nông dân Dương Tấn Quốc và Chi hội nghề nghiệp trồng màu của nông dân ấp Bình La.
Nông dân Lê Văn Thuận, ấp Bình La, xã Lương Hòa đã chuyển đổi 1.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu khoảng 06 - 07 năm nay. Ông cho biết: kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 1.000m2 đất sản xuất và làm thuê theo mùa vụ. Để cải thiện kinh tế gia đình, ông đã chuyển đất lúa sang trồng dưa leo, khổ qua xoay vòng 03 - 04 vụ/năm, mỗi vụ lợi nhuận bình quân đạt từ 06 - 07 triệu đồng/1.000m2. Do ít đất nên ông chọn trồng các loại màu ngắn ngày như dưa leo, khổ qua khoảng 02 tháng thu hoạch và cứ xoay vòng nhiều vụ/năm. Bên cạnh đó, ông đầu tư nuôi 03 con bò sinh sản, do giá bò giảm nên thời gian gần đây ông chịu khó chăm sóc dưỡng vỗ béo bò con để chờ giá xuất bán.
Ông Thuận cho biết thêm, gia đình ông được Hội Nông dân xã hỗ trợ vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện 10 triệu đồng đầu tư chi phí trồng màu, nhờ vậy hạn chế một phần chi phí khi mua gối đầu phân thuốc bảo vệ thực vật ở các cửa hàng. Hiện 1.000m2 khổ qua đang cho thu hoạch, cách ngày thu hoạch 01 lần, thu nhập từ 600.000 - 800.000 đồng/lần.
Nông dân Thạch Đoàn, ngụ cùng ấp khá lên nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Ông Đoàn cho biết: ban đầu ông chuyển hơn 1.000m2 đất trồng lúa sang trồng cà tím, ớt chỉ thiên, lợi nhuận cao gấp 03 - 04 lần so với cây lúa. Năm nay, ông thuê thêm đất canh tác để mở rộng diện tích trồng xoay vòng dưa leo, cà tím, ớt chỉ thiên trên diện tích gần 3.000m2. Do giá nông sản bấp bênh biến động nên vụ cà tím, ớt chỉ thiên vừa qua lợi nhuận đạt bình quân 16 - 18 triệu đồng.
Với diện tích trên hiện nay ông đang trồng dưa leo. Với ông Đoàn, do vùng đất từng canh tác lúa, nên trũng thấp, việc trồng dưa leo vào mùa mưa hạn chế nước tưới tiêu nhưng phải lên liếp cao, làm giàn tránh ngập úng, sản lượng dưa leo cho trái nhiều hơn mùa nắng.
Đồng chí Lý Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa cho biết: mô hình “dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế của Hội được hình thành và phát triển từ tổ hội nghề nghiệp trồng màu. Ban đầu Hội vận động 10 hội viên tham gia vào tổ hội nghề nghiệp trồng màu. Phần lớn các hội viên chí thú làm ăn, siêng năng lao động, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng và thổ nhưỡng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến đầu tháng 8/2023, phát triển từ tổ hội nghề nghiệp trồng màu lên tổ kinh tế hợp tác với 21 thành viên và nay phát triển lên chi hội nghề nghiệp trồng màu với diện tích 4,7ha. Đây là mô hình được địa phương đánh giá mô hình “dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế đạt hiệu quả, góp phần đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Trong 21 thành viên, có 06 thành viên tham gia vào Hợp tác xã thương mại - dịch vụ - nông nghiệp Xuân Thành.
Bên cạnh vận động các hội viên nông dân tích cực tham gia thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, Hội tranh thủ nguồn vốn tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vốn vay giúp 361 hội viên nông dân vay với tổng dự nợ trên 10,2 tỷ đồng.
Đồng chí Lý Văn Tâm cho biết thêm: từ đầu năm 2023 đến nay, toàn xã xuống giống 322ha màu, trong đó có 1,5ha màu trồng theo hướng sạch hữu cơ của Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Xuân Thành. Đây là đơn vị sẽ liên kết với nông dân trên địa bàn giải quyết đầu ra nông sản trong mùa vụ tới.
Để đảm bảo sản lượng nông sản đáp ứng nhu cầu liên kết đầu ra với hợp tác xã, Hội Nông dân xã vận động và thuê đất kém hiệu quả để hỗ trợ hội viên nông dân mở rộng diện tích trồng màu hướng đến quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp nông dân an tâm sản xuất, tăng thu nhập trên cùng diện tích, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy kinh tế gia đình.