Sớm hình thành một khu Nông nghiệp tập trung công nghệ cao, nông nghiệp đô thị

Bình luận · 199 Lượt xem

Sáng 6/10, Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP; Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghi

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Trưởng ban Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM Phạm Đình Dũng cho biết, Hội thảo với mục tiêu tập hợp các luận cứ khoa học làm cơ sở đề xuất định hướng, cơ chế, chính sách, giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP, qua đó góp phần thay đổi và phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của TP, trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

 

Theo đồng chí Phạm Đình Dũng, Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 26 bài viết tham luận đã tập trung vào các nội dung: Định hướng, tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như: Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TP trong thời gian qua; tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển; xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; Các vấn đề về lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các tỉnh, thành trên cả nước và bài học kinh nghiệm cho TP; Định hướng và các giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, muốn ngành nông nghiệp TP phát triển vững mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội địa phương, điều quan trọng Đảng bộ và chính quyền TP cần tiếp tục chủ động trong việc lãnh đạo, trực tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách phù hợp cho TP trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; Quản lý và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; Tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

 

Ngoài ra, cần quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phát triển du lịch sinh thái trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp; nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao của TPHCM.

 

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, TP cần xây dựng triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, chính sách khuyến khích hộ nông dân sử dụng dịch vụ của hợp tác xã góp phần hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết giữa hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với doanh nghiệp; chuỗi liên kết hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - hợp tác xã công nghệ cao. Liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm của TP với các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong và ngoài TP, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã. Kết nối thị trường, tạo liên kết vùng đã dần hình thành các chuỗi cung ứng lớn và bền vững, từ đó giảm thiểu các hiện tượng bếp bênh về thời vụ.

 

Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo cao trong các lĩnh vực công nghệ giống cây trồng, vật nuôi; công nghệ canh tác trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia chương trình đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có chính sách đặc thù thu hút nguồn nhân lực có trình độ khoa học - kỹ thuật cao từ các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc lĩnh vực nông nghiệp về làm việc hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho TP…

 

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng tổ chức liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường, xây dựng thương hiệu để phát triển chuỗi giá trị hiệu quả, tự động hóa từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị. Công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch đột phá, tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển không gian xanh kết hợp du lịch sinh thái.

 

Để phát triển đô thị TPHCM theo hướng kết nối vùng, đô thị xanh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đô thị thông minh thân thiện môi trường, các đại biểu cho rằng, cần cao nhận thức của vùng về vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Phát huy vai trò đầu tàu của TP trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển mới cho vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực, địa phương trong cả nước và quốc tế. Sớm hình thành một khu Nông nghiệp tập trung công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, góp phần phát triển nông nghiệp, kinh tế xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

Bình luận