Nghề làm bánh Pía truyền thống đưa xã nghèo vượt khó khăn

Bình luận · 295 Lượt xem

Xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Châu Thành đã vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới từ nghề làm bánh Pía, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.

 

Cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 13km, vùng đất Châu Thành là nơi hội tụ, giao thoa hơn 10 nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Công tác phục hồi, bảo tồn và phát triển hoạt động của các làng nghề, ngành nghề truyền thống được huyện đặc biệt chú trọng.

 

Toàn huyện Châu Thành hiện có 1 làng nghề và 17 ngành nghề truyền thống hoạt động trải đều các xã, thị trấn. Trong đó, nghề làm bánh Pía, lạp xưởng, mè láo của người Hoa trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.

 

Lịch sử phát triển huyện Châu Thành ghi chép lại, nghề làm bánh Pía của người Hoa là nghề thủ công có truyền thống gần 100 năm. Nghề này gắn liền với quá trình di cư của người Hoa đến sinh sống tại huyện. Bắt đầu từ xã Phú Tâm và lan rộng ra các xã Thuận Hòa, An Hiệp.

 

Những năm đầu thế kỷ 20, tại huyện Châu Thành đã hình thành một số cơ sở bánh Pía nổi tiếng như: Công Lập Thành, Hiệp Thành, Thuận Thành, Mỹ Hiệp Thành, Tạo Thành, tập trung tại xã Phú Tâm, xã An Hiệp và Thuận Hòa. Những cơ sở này đã tạo được việc làm cho khoảng 300 - 500 lao động thời vụ trong vùng.

 

Trong đó, xã Thuận Hòa là xã duy nhất của huyện Châu Thành thuộc diện đặc biệt khó khăn trong suốt 12 năm qua. 69% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng số trên 10.000 số dân toàn xã. Một số người Hoa trên địa bàn xã bắt đầu phát triển nghề làm bánh Pía, thành lập cơ sở sản xuất, tuyển thêm lao động. Từ đó bà con nông dân có thêm nghề mới có thu nhập ổn định hơn.

 

 

Trải qua quá trình giao thoa về ẩm thực, bánh Pía ngày nay đã có nhiều thay đổi, đa dạng về nguyên liệu chế biến. Đến nay, sản phẩm bánh Pía truyền thống của tỉnh Sóc Trăng nói chung, huyện Châu Thành nói riêng đã được xuất khẩu đến các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc... Từ đây, số lượng cơ sở sản xuất bánh Pía cũng có sự gia tăng đáng kể. Toàn tỉnh có trên 30 cơ sở sản xuất bánh Pía truyền thống, riêng huyện Châu Thành đã có 24 cơ sở hoạt động hiệu quả.

 

Năm 2020, nghề làm bánh Pía truyền thống của xã Phú Tâm, Thuận Hòa, An Hiệp của huyện Châu Thành được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Bà Bùi Mỹ Thuận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành nhận định, đây là một trong những mô hình chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm hiệu quả cho người dân.

 

UBND tỉnh Sóc Trăng đã triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống “Nghề làm bánh Pía” xã Phú Tâm, xã Thuận Hòa, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, giai đoạn 2022 - 2025. Các cơ sở sản xuất bánh Pía được tạo điều kiện, hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư hệ thống máy móc tiên tiến vào sản xuất.

 

 

Hiện nay, huyện Châu Thành đã có 7 sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao và 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao. Các sản phẩm được quảng bá trên các sàn thương mại điện tử tỉnh và Postmart.vn.

 

Theo thống kê từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Châu Thành, nghề làm bánh Pía thủ công truyền thống đã giải quyết việc làm thường xuyên cho gần hơn 1.400 lao động địa phương, với mức lương dao động từ 5 - 15 triệu đồng/lao động (tùy vào trình độ tay nghề). Đặc biệt, trong các dịp cao điểm lễ tết, lực lượng lao động và nguồn nguyên vật liệu tăng thêm từ 1,5 - 2 lần so với bình thường

 

Ngoài ra, mức tiêu thụ nguyên vật liệu làm bánh hàng tháng dao động từ 50 - 100 tấn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, xây dựng vùng trồng nguyên liệu với thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững

 

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy ngành nghề truyền thống trong thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ đào tạo nghề, hướng đến mục tiêu xây dựng Làng nghề truyền thống bánh Pía.

 

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 420.000 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 35% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa. Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nhà ở, đất đai, chuyển đổi ngành nghề hoặc cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, trên 4.500 hộ đã thực hiện chuyển đổi ngành nghề, 3.000 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng.

 

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh Sóc Trăng có 17 xã đặc biệt khó khăn. Trong đó có xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành.

 

Qua 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tháng 3/2023 xã Thuận Hòa là địa phương cuối cùng của huyện vươn lên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bình luận