Vừa rồi ở Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị Cách mạng công nghệ lần thứ 4 và hợp tác Việt – Hàn. Ở sự kiện này, ông Kang Boo Sung, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng, cho rằng tương lai của ngành nông nghiệp là hình thái quản lý trồng trọt và thu hoạch một cách tiện lợi, bền vững trong các nông trại thông minh (NTTM).
Hàn Quốc là đất nước của kỹ thuật, công nghệ phát triển nên nông nghiệp đã sớm được phát triển theo mô hình NTTM với quy trình quản lý và vận hành khép kín trong khu nhà kính.
Nông trại là một hệ thống có máy đo độ ẩm của đất, không khí, phân tích nhu cầu phân bón của cây, lượng nước tưới tiêu… và có thể đưa ra các giải pháp gợi ý giúp giải quyết tình trạng sâu bệnh (nếu có) nhờ vào việc phân tích dữ liệu. Nhờ đó, NTTM ít chịu ảnh hưởng của các hiệu ứng về địa lý và khí hậu, rau củ, trái cây được sản xuất liên tục bất kể mùa vụ, chất lượng sản phẩm cũng được kiểm soát.
Ngoài ra, kiểu nông trại này giúp giảm số lượng người làm và còn tận dụng được tối đa quỹ đất, không gian sẵn có. Có thể nói, NTTM trở thành giải pháp cho vấn đề thiếu nhân lực trẻ và quỹ đất nông nghiệp hiện tại của Hàn Quốc.
Nông trại thông minh thẳng đứng
Một trang trại thẳng đứng thông minh đã được xây dựng trong một đường hầm bỏ hoang tại Hàn Quốc. Đường hầm dài 600 mét được Công ty NextOn sử dụng để trồng rau và trái cây. Tại đây, thực phẩm được trồng trọt hoàn toàn bằng phương pháp thủy canh, không sử dụng đất, rễ cây được cắm trong dung dịch dinh dưỡng.
Theo ghi nhận, các kệ trồng rau xanh dài 200 mét gồm 14 tầng, cho sản lượng hàng năm đạt 300 tấn, tương đương với phương pháp canh tác truyền thống trên diện tích 165.000 mét vuông. Còn cuối đường hầm là các kệ dài 300 mét, dành riêng cho việc trồng dâu tây ở nhiệt độ thấp, cho năng suất khoảng 100 tấn mỗi năm.
Ngoài ra, trang trại trồng được 60 loại trái cây và rau củ, trong đó có 42 loại được chứng nhận không có thuốc trừ sâu, không có thuốc diệt cỏ và không biến đổi gen.
NextOn không đề cập đến chi phí xây dựng, nhưng theo họ, các công ty có thể cắt giảm đáng kể chi phí bằng cách thuê lại những công trình bỏ hoang như đường hầm Okcheon, đồng thời tự phát triển hệ thống đèn chiếu sáng, tưới tiêu và công nghệ riêng. Nhờ đó, họ có thể tiết kiệm nước, năng lượng và giảm chi phí nhân công. Cây trồng vì thế sẽ có chi phí canh tác thấp hơn so với phương pháp hữu cơ truyền thống.
Lợi thế của mô hình nông trại thẳng đứng này là tận dụng tối đa không gian để thiết kế nên các tầng kệ trồng rau củ và trái cây, vậy nên sản lượng sản xuất được có tiềm năng lớn.
Một ví dụ khác cho mô hình này là Công ty Farm8 chuyên về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Hàn Quốc, bên cạnh việc áp dụng xen kẽ canh tác nhà kính và canh tác thẳng đứng (xây dựng các giá kệ trồng cây) để cho ra nguồn rau sạch, không thuốc trừ sâu thì họ còn cung cấp mô hình trang trại thẳng đứng ở mọi quy mô. Như trang trại container có giá 130.000 đô la Mỹ (số liệu năm 2020)
Ông Min Seung Kyu, Giáo sư Đại học Sejong, nguyên Thứ trưởng bộ Nông lâm, Chăn nuôi và Thực phẩm Hàn Quốc, chia sẻ việc kết hợp công nghệ thông tin bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và nông nghiệp tạo ra sự chuyển đổi trong năng lực cạnh tranh nông nghiệp.
Ông cũng cho hay một số NTTM ở Hàn Quốc giúp giảm 90% số lượng nhân công, số lượng công việc của một nhân công cũng được giảm tải đáng kể sau khi đưa máy móc, AI vào vận hành.
Bài học cho Đà Nẵng
Từ ví dụ ở Hàn Quốc nói trên có thể thấy trong phát triển nông nghiệp bền vững thì nông nghiệp công nghệ cao là lộ trình phải đi. Và những địa phương có diện tích đất nông nghiệp khiêm tốn tại Việt Nam cũng có thể ứng dụng được.
Trong đó, tại Đà Nẵng – nơi núi, biển và sông chiếm diện tích đáng kể – một số doanh nghiệp cũng bắt đầu hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững thông qua nông nghiệp công nghệ cao.
An Phú Farm là một ví dụ. Họ có nông trại sản xuất rau hữu cơ để cung cấp cho chuỗi cửa hàng của chính mình, chuyên bán các nông sản hữu cơ. Hiện nay, trong chăn nuôi trang trại An Phú cũng đã áp dụng công nghệ vi sinh, quy chuẩn ISO, công nghệ thông tin vào trong sản xuất và phân phối nông sản.