Truyền cảm hứng khai thác đề tài động vật hoang dã với báo chí

Bình luận · 197 Lượt xem

Hội thảo tập huấn được tổ chức với mong muốn truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho các nhà báo, phóng viên trong việc tham gia chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Chương trình tập huấn 'Tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật' tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Chương trình tập huấn "Tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật" tại Vườn Quốc gia Cúc Phương. Ảnh: Tùng Đinh.

Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật được tổ chức tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình trong 2 ngày 28 - 29/9.

Chương trình tập huấn do Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp, Báo Nông nghiệp Việt Nam, WWF tổ chức với sự tài trợ từ phía USAID.

Đặc biệt, Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công tác bảo tồn cùng các chuyên gia báo chí truyền thông điều tra và trên 30 nhà báo, phóng viên đến từ nhiều cơ quan báo đài, Trung ương và địa phương.

Hội thảo tập huấn đặt mục tiêu góp phần nâng cao năng lực báo chí, truyền thông về điều tra, phân tích dữ liệu, lựa chọn chủ đề liên quan tới chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật và truyền cảm hứng và nhiệt huyết trong việc tham gia chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật cho các phóng viên, nhà báo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học thuộc tốp đầu thế giới.

Trong những qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách trong việc bảo vệ, gìn giữ cũng như phát huy sự đa dạng sinh học đặc hữu này.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đã tham gia sâu rộng và đầy đủ vào hầu hết các công ước quốc tế về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, đặc biệt là các loài nguy cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh các đóng góp và kết quả tích cực trong hoạt động bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, Việt Nam cũng nổi lên là một trong những điểm nóng của thế giới về hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã với rất nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng bắt giữ suốt nhiều năm qua.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (bìa phải) cho rằng, để đấu tranh với tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, rất cần sự tham gia của các nhà báo, phóng viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam (bìa phải) cho rằng, để đấu tranh với tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, rất cần sự tham gia của các nhà báo, phóng viên. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo ông Lê Trọng Đảm, đấu tranh triệt để với các hành vi buôn bán, săn bắt và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật đã đang và sẽ được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày một hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.

Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết đều có những điều khoản, quy định rất chi tiết về công tác bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp và bảo tồn sự đa dạng sinh học.

"Trong chặng đường, quá trình đấu tranh với loại hình tội phạm động vật hoang dã tại Việt Nam hiện nay, vai trò của các nhà báo, phóng viên cực kỳ quan trọng", Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ thêm.

Do đó, ông Lê Trọng Đảm nhấn mạnh, chương trình tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức và thông tin về tình trạng buôn bán ĐVHD trên thế giới và ở Việt Nam, cập nhật về khung pháp lý liên quan đến tội phạm về ĐVHD và xử lý các vi phạm.

Đồng thời, hỗ trợ các nhà báo, phóng viên tham gia lựa chọn được đề tài điều tra về chủ đề chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án lâm nghiệp phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án lâm nghiệp phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án lâm nghiệp bày tỏ mong muốn với kinh nghiệm của các phóng viên, qua chương trình tập huấn sẽ có cơ hội chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau, cũng như đề xuất với Ban tổ chức của hội nghị và Ban quản lý dự án để có những giải pháp để tổ chức triển khai và đồng hành trong thời gian tới.

"Có sự tham gia của báo chí, của các phóng viên chúng ta mới có thể giải quyết được vấn nạn một trong những hoạt động buôn bán gây tác động lớn nhất thế giới trong khoảng hơn 20 năm trở lại đây là buôn bán ngà voi và sừng tê giác.

Nạn buôn bán này đã gây ảnh hưởng rất lớn tới các quần thể tê giác cũng như là voi trên thế giới. Đây cũng là những nội dung được Cites cũng như cộng đồng quốc tế rất quan tâm", ông Đỗ Quang Tùng nhấn mạnh.

Đánh giá tổng quan hình hình buôn bán ĐVHD trên thế giới và ở Việt Nam, ông Bùi Đăng Phong, PGĐ, VPDA Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, WWF Việt Nam cho biết, tác động của con người đã đẩy tốc độ tuyệt chủng của các loài hoang dã trên thế giới hiện nay nhanh gấp khoảng 4.000 lần so với thời kỳ Đại tuyệt chủng của các loài khủng long.

Vì vậy, nếu không có các hành động khẩn cấp thì trong vòng khoảng ba thập kỷ tới thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đại tuyệt chủng các loài hoang dã lần thứ 6.

Đồng thời, nếu con người không hành động kịp thời và hiệu quả thì chính chúng ta sẽ là nạn nhân của cuộc đại tuyệt chủng nêu trên, theo báo cáo.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, WWF Việt Nam chia sẻ về tình hình buôn bán ĐVHD. Ảnh: Tùng Đinh.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, WWF Việt Nam chia sẻ về tình hình buôn bán ĐVHD. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, buôn bán ĐVHD trái pháp luật ước tính trị giá xấp xỉ 20 tỉ USD. Trong đó, các đối tượng tội phạm khai tác toàn bộ chuỗi cung ứng, từ săn trộm tới vận chuyển và buôn bán ĐVHD - liên quan đến tội phạm về rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ.

Với Việt Nam, chúng ta không chỉ là thị trường cung cấp, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật mà còn là điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán ĐVHD toàn cầu với các chuyến hàng buôn lậu ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê đến từ châu Phi, sau đó tiếp tục được bán sang Trung Quốc (EIA, 2021).

Trước tình hình đó, ông Phong cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức và thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng nhưng cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; Tăng cường đấu tranh với loại hình tội phạm ĐVHD.

Đại điện đơn vị tham gia tổ chức chương trình tập huấn, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn Quốc gia Cúc Phương cho biết, vườn đã có những hoạt động hợp tác hiệu quả, sử dụng đúng mục đích các nguồn lực hỗ trợ của quốc tế để cứu hộ các loài ĐVHD, nguy cấp, quý hiếm.

Theo ông Chính, ĐVHD là của thiên nhiên, do đó, chúng ta không chỉ tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, thực thi có trách nhiệm các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên mà còn là cốt cách, bản lĩnh của dân tộc Việt Nam trong nỗ lực gìn giữ cái đẹp của thiên nhiên cho muôn đời sau.

Hội thảo “Tập huấn tăng cường năng lực báo chí khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật” thuộc Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ dự án là Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), đơn vị thực hiện là Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bình luận