Bình Thuận đang xây dựng chuỗi đô thị du lịch ven biển đồng bộ, từng bước hiện đại, lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm hạt nhân, tạo sức lan tỏa để phát triển du lịch của tỉnh, làm điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hiện tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là đòn bẩy, động lực quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né là động lực chính trong phát triển du lịch Bình Thuận. Ước tính 90% khách nội địa và 95% khách quốc tế đến Bình Thuận lựa chọn tham quan, trải nghiệm, nghỉ dưỡng biển tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né; tổng thu từ khách du lịch của Khu du lịch quốc gia Mũi Né chiếm khoảng 80-90% toàn tỉnh.
Sự phát triển mạnh mẽ của Khu du lịch quốc gia Mũi Né là một trong những yếu tố mang lại tăng trưởng cho kinh tế Bình Thuận và góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với biển, đảo, địa hình hoang mạc cồn cát, hồ hoang mạc,… và các tài nguyên du lịch văn hóa với các di sản văn hóa cấp quốc gia, văn hóa ẩm thực, văn hóa làng chài gắn liền với ngư dân ven biển.
Nhiều người xem Khu du lịch quốc gia Mũi Né là một thế giới thu nhỏ, vừa có sự hài hòa của thiên nhiên, vừa có những tinh hoa của lịch sử. Đây cũng là khu vực tập trung tối đa cơ sở vật chất, kỹ thuật trong phát triển du lịch tỉnh Bình Thuận. Hệ thống lưu trú cao cấp (4-5 sao), cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao giải trí hầu hết tập trung tại Khu du lịch quốc gia Mũi Né, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, Khu du lịch quốc gia Mũi Né và khu vực phụ cận có hệ thống di sản văn hóa vật thể như Bàu Trắng, quần thể Tháp Chăm Pô Sah Inư... và di sản phi vật thể như Lễ hội Katê, Ramưvan, lễ hội Cầu ngư, chèo Bá Trạo,…
Các di sản, lễ hội này được giữ gìn và duy trì có ý nghĩa quan trọng đối với nhân dân trong khu vực. Duy trì và bảo tồn các di sản này không chỉ có ý nghĩa trong du lịch mà còn góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống, lịch sử tốt đẹp của địa phương, phát huy những nét đẹp nhân văn của tỉnh Bình Thuận