15.000ha quế hữu cơ vươn thị trường quốc tế

Bình luận · 173 Lượt xem

Vựa quế Văn Yên sẽ đạt 15 nghìn ha quế hữu cơ có chứng nhận đến hết năm 2023, qua đó mở ra nhiều cơ hội để vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.

Đa lợi ích từ quế hữu cơ

Thời gian qua, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) đã vận động người dân trồng quế theo từng vùng tập trung và sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng người dân làm nông nghiệp xanh nhằm xây dựng thương hiệu cho vùng nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ.

 

Anh Phạm Hồng Thắng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ - Phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết, Trung tâm đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất quế từ khâu ươm cây giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Vận động người dân sản xuất quế theo hướng hữu cơ, bền vững.

 

Trung tâm đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp như Công ty TNHH NEDSPICE Bình Dương, Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái... tổ chức tập huấn 12 lớp với gần 1.000 lượt người dân; tập huấn cho 235 nhóm hộ về kỹ thuật sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ và liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế.

 

Qua đó, đã giúp người sản xuất quế từng bước nắm bắt và áp dụng tốt kiến thức vào thực tế sản xuất như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm quế; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thuốc BVTV nguồn gốc sinh học; hạn chế phân bón hóa học và không sử dụng thuốc trừ cỏ...

 

Bà Phạm Thị Quy (thôn Khe Cỏ, xã An Thịnh, huyện Văn Yên) chia sẻ: Gia đình có 5ha quế đăng ký tham gia dự án trồng quế hữu cơ của Công ty Olam Việt Nam. Trước đây, gia đình bà Quy cũng như bà con ở địa phương trồng quế bằng hạt, chọn giống theo kinh nghiệm, bón phân hóa theo ước lượng, sử dụng thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu bệnh.

 

Hiện nay, được hướng dẫn phương pháp trồng quế hữu cơ, bà con đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp kết hợp men vi sinh làm phân bón, sử dụng thảm thực vật để tạo độ ẩm, độ xốp và cải thiện độ màu mỡ cho đất, việc làm cỏ chỉ sử dụng máy phát hoặc phát bằng dao, không phun thuốc diệt cỏ, từ đó vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm quế sau khi thu hoạch được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn.

 

"Đồi quế ơn Bác" dẫn dắt kỹ thuật trồng quế cho bà con người Dao

Trước đây, các sản phẩm từ quế ở Văn Yên hầu như chỉ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng khi nhận thấy sức tiêu thụ trong nước tăng cao và thị trường châu Âu, châu Mỹ có nhu cầu mua sản phẩm quế lớn với giá cao hơn, các doanh nghiệp như Công ty Hương gia vị Sơn Hà, Olam Việt Nam, Vicimex… đã cùng người dân hình thành và mở rộng vùng trồng quế hữu cơ.

 

Ông Đoàn Anh Khôi (Công ty Olam Việt Nam) cho biết: "Quế Văn Yên từ trước đến nay vẫn là thương hiệu rất nổi tiếng, chúng tôi đánh giá rất cao chất lượng quế ở đây, đặc biệt về sản lượng và chất lượng tinh dầu. Công ty chúng tôi xuất khẩu sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới và hiện tại quế Văn Yên đang đóng góp 70% nguồn nguyên liệu sản xuất. Hiện Công ty đang tiếp tục giới thiệu mặt hàng quế điếu, quế bột Văn Yên tới các chuỗi siêu thị tại Mỹ và châu Âu".

 

800 tỷ đồng mỗi năm từ cây quế

Với giá trị kinh tế từ cây quế đem lại, huyện Văn Yên đang đẩy mạnh phát triển cây quế, đặc biệt là mở rộng vùng quế hữu cơ. Sự thay đổi về phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm quế tại Văn Yên tăng mạnh, mà còn giúp địa phương giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

 

Bình quân mỗi năm huyện Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ quế khô các loại, tận thu trên 65.000 tấn cành lá quế và hơn 50.000m3 gỗ quế, chưng cất tinh dầu quế đạt 300 tấn. Tổng doanh thu thu sản phẩm quế đạt trên 800 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

 

Ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Huyện đã và đang tập trung triển khai xây dựng các vùng chuyên canh cây quế, trọng tâm là các xã đã được cấp chỉ dẫn địa lý, chú trọng tới sản xuất quế hữu cơ và các sản phẩm quế sạch. Đồng thời tiếp tục giới thiệu, quảng bá và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, xuất khẩu các sản phẩm quế do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

 

Cùng với đó, kiểm soát tốt nguồn cung ứng giống và áp dụng khoa học công nghệ trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại quế, kiểm soát tốt các sản phẩm đầu ra của quế để đảm bảo giữ vững thương hiệu quế Văn Yên.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Văn Yên, diện tích quế hữu cơ của toàn huyện đạt chứng nhận châu Âu, Mỹ đến hết năm 2022 là 5.700ha, trong năm 2023 đã cấp chứng nhận hữu cơ cho gần 1.600ha. Hiện nay, huyện đã thực hiện được 4 chuỗi quế, hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ diện tích quế hữu cơ đến hết năm 2023 đạt trên 15.000ha.

Bình luận