Từ góc độ người kinh doanh, chị Vũ Hồng Vân, chủ một cửa hàng phân phối sản phẩm spa thẩm mỹ tại phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) cho biết doanh số bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến chiếm tới 30% tổng doanh số chính của cửa hàng, vì thế chị cũng quan tâm đến các dịch vụ chuyển phát và giao vận. Tuy nhiên, chị thường phải sử dụng dịch vụ giao hàng của nhiều đơn vị vận chuyển khác nhau bởi rất khó để chọn nhà cung cấp có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đã nêu, khiến quy trình lấy hàng, theo dõi đơn hàng của chị không được đồng nhất và phát sinh nhiều vấn đề.
Tương tự, chị Trương Phương Linh, kinh doanh các sản phẩm thời trang tại phố Trần Phú (thành phố Từ Sơn) thường nhận được phàn nàn về thời gian giao hàng liên tỉnh kéo dài nhiều ngày hay hàng hóa bị thất lạc khi đến tay khách hàng, nhất là những đơn hàng về khu vực nông thôn. Ở chiều ngược lại, anh Nguyễn Quốc Quân, một khách hàng trẻ tại phường Phố Mới (thị xã Quế Võ) cho biết tốc độ cùng chất lượng giao hàng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của mình. Nếu giao quá chậm so với dự kiến hoặc làm hư hỏng hàng thì dù trải nghiệm mua sắm trước đó có tốt đến đâu đi chăng nữa, khách hàng vẫn sẽ cảm thấy không hài lòng và có chút thất vọng.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giao vận, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh ban hành từ tháng 4-2021 đề cập đến nhiều biện pháp để cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử và khuyến khích thí điểm và triển khai các phương tiện giao thông mới để hỗ trợ vận chuyển và giao nhận hàng hóa. Đứng trước cơ hội này, nhiều doanh nghiệp kho vận nhanh chóng tăng tốc mạnh mẽ trong cuộc đua ở lĩnh vực logistics khi mở rộng mạng lưới bưu cục và ứng dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí vận hành.
Đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm phân loại hàng tự động của SPX (đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận cho các nền tảng TMĐT và nhà bán hàng, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến) tại KCN VSIP Bắc Ninh với diện tích lớn lên đến 100.000m2 được khánh thành và đi vào hoạt động là một trong những tín hiệu tích cực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đối với dịch vụ giao vận từ cả người bán lẫn người mua. Bà Nguyễn Kim Anh, Giám đốc SPX cho biết, hệ thống phân loại hàng hoá tự động (ASM) giúp Trung tâm này đạt được tỷ lệ phân loại hàng hoá đến 99,97%; đồng thời gia tăng tốc độ trong quá trình xử lý và phân loại hàng hóa được chia chọn một cách nhanh chóng, từ đó, cải thiện tốc độ giao vận. Việc đặt trung tâm phân loại hàng hóa của SPX tại Bắc Ninh với những thế mạnh về công nghệ và chất lượng dịch vụ có thể khai thác tối đa điểm mạnh của tỉnh là nơi có số lượng kho bãi, dịch vụ vận chuyển thuộc tốp đầu cả nước cùng lợi thế về mặt địa lý và cơ sở hạ tầng sẵn có để tăng cường dịch vụ cũng như phát triển mạng lưới của mình.
Cùng với SPX, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục doanh nghiệp giao vận có quy mô lớn như: Mapletree, Linfox Logistics Việt Nam, FM Logistic (KCN VSIP); ALS, TTL Logistic (KCN Yên Phong); KTG Industrial (KCN Yên Phong mở rộng) cũng như hàng trăm doanh nghiệp vận tải, kho bãi thực hiện chức năng giao vận hàng hoá đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tỉnh phát triển dịch vụ kho bãi, giao vận với định hướng trở thành trung tâm logistics của miền Bắc và của cả nước. Có thể thấy, với sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp kho vận tải như SPX, Mapletree, Linfox Logistics Việt Nam, ALS, TTL Logistic… người bán hay doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có thể giảm bớt áp lực trong việc tìm kiếm đối tác vận chuyển phù hợp, bảo đảm tính kịp thời trong việc vận chuyển hàng hóa. Song song đó, người mua cũng nhận được trải nghiệm mua sắm liền mạch từ lúc đặt hàng đến khi nhận hàng, sản phẩm từ các nhà bán hàng và thương hiệu đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, đáng tin cậy hơn.