Nông dân Sóc Trăng tăng thu nhập từ mô hình sinh kế mùa nước nổi

Bình luận · 222 Lượt xem

Nhiều mô hình sinh kế trong mùa nước nổi tại Sóc Trăng đem lại thu nhập cho nhiều nông hộ, mở ra hướng canh tác mới cho nông dân vào mùa nước nổi như mô hình cá đăng quầng, cá lúa, cá mắm...

Tại Sóc Trăng, nhiều mô hình sinh kế trong mùa nước nổi, từ tháng Tám đến tháng 11 hằng năm, được nông dân các huyện vùng trũng như thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú… thực hiện hiệu quả và đem lại thu nhập cho nhiều nông hộ.

 

Nổi bật như mô hình cá đăng quầng, mô hình cá mắm, mô hình cá lúa…

 

Nhiều mô hình sinh kế tăng thu nhập

 

Gần 4ha đất sản xuất lúa của gia đình anh Nguyễn Văn Tít ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, không sản xuất vụ lúa Thu Đông thay vào đó thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng (bao lưới xung quanh ruộng lúa dự trữ cá thiên nhiên).

 

Anh Nguyễn Văn Tít chia sẻ thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa được 5 năm, trung bình hàng năm, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng, lợi nhuận gấp 2-3 lần so với sản xuất lúa.

 

Mô hình nuôi cá đăng quầng chỉ tốn chi phí mua lưới bao xung quanh (một lần mua lưới có thể dùng cho 2-3 vụ) và công quản lý vào ban đêm nên chi đầu tư thấp.

 

Nếu như năm vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Khởi ở xã Long Bình sản xuất chỉ 2ha mô hình cá lúa, năm nay ông Khởi đã mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi lên 4ha.

Theo ông Khởi, thời điểm thực hiện mô hình cá lúa là từ tháng Năm cho đến tháng 11, với thời gian nuôi khoảng 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Mô hình cá lúa chủ yếu là tận dụng thức ăn trực tiếp trên ruộng lúa nên lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa, ước trong vụ nuôi năm nay trừ các khoản chi phí gia đình thu nhập gần 150 triệu đồng/4ha.

 

[Đồng Tháp: Làng nghề làm ngư cụ tất bật đón mùa nước nổi]

 

Ông Nguyễn Văn Khởi cho biết thêm mùa nước nổi hầu hết nông dân ở vùng trũng Ngã Năm phấn khởi, bởi lượng nước cao so với các tháng trong năm, cộng thêm có một lượng thủy sản nước ngọt phong phú như cá lóc, cá trê, các sặc... Từ đó, nhiều mô hình nuôi thủy sản nước ngọt ra đời như cá vèo (nuôi trong bồn lưới dưới sông), cá đăng quầng, cá lúa, khai thác thủy sản thiên nhiên đã đem lại thu nhập khá cho nông dân.

 

Anh Trần Văn Loan chủ cơ sở sản xuất cá mắm (sơ chế cá sặc, cá rô ướp muối để cung cấp cho các cơ sở làm mắm), phường 2, thị xã Ngã Năm, thông tin hàng năm cơ sở sản xuất và cung cấp cho thị trường gần 100 tấn cá sơ chế (cá mắm), tập trung nhiều nhất từ tháng Tám đến tháng 11 hàng năm với nguồn nguyên liệu từ khai thác của nông dân tại các cánh đồng nước nổi ở địa phương.

 

Anh Loan cho biết thêm hiện cơ sở hàng ngày có trên 15 lao động tham gia sản xuất, trung bình mỗi lao động có thu nhập trên 200.000 đồng/ngày. Mùa nước nổi nông dân địa phương thường không sản xuất lúa thay vào đó khai thác, chế biến các sản phẩm từ thủy sản cá đồng, qua đó, tạo thêm việc làm giúp nông dân có thêm thu nhập ổn định đời sống.

 

Nâng cao giá trị thủy sản nước ngọt

 

Theo Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, địa phương có diện tích sản xuất lúa trên 18.500ha, trong năm chỉ làm 2 vụ lúa chính là Đông Xuân và Hè Thu (bắt đầu sản xuất từ tháng 11 đến cuối tháng Bảy năm sau).

 

Với địa hình vùng trũng, Ủy ban Nhân dân thị xã tập trung khuyến khích nông dân đẩy mạnh thực hiện các mô sinh kế như, mô hình cá đăng quầng, mô hình cá mắm, mô hình cá lúa, khai thác thủy sản,…

 

Ông Trần Văn Liêm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Ngã Năm, cho biết hiện trên địa bàn thị xã Ngã Năm có diện tích trên 3.000ha thực hiện các mô hình như cá đăng quầng, cá lúa... Ước tổng sản lượng đánh bắt và khai thác hàng năm toàn thị xã từ 12.000-14.000 tấn, thu nhập đạt từ 45-50 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Liêm cho biết thêm thời gian tới, Ủy ban Nhân dân thị xã tiếp tục triển khai đầu tư mô hình cá lúa kết hợp và mô hình nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa, khuyến khích người dân xây dựng các khu vực sản xuất khép kín để bảo quản và phát triển nguồn cá tự nhiên, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

 

Ủy ban Nhân dân thị xã chỉ đạo ngành chức năng, các xã, phường tăng cường công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản nước ngọt, đặc biệt xử lý triệt để các trường hợp dùng xung điện khai thác thủy sản trái phép nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở địa phương. Địa phương cũng tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm từ cá đồng nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm từ thủy sản nước ngọt.

 

Ông Nguyễn Văn Điền, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mỹ Tú, cho hay huyện có trên 1.000ha trên thực hiện mô hình cá lúa, cá đăng quầng, mô hình cá vèo tập trung tại các xã Mỹ Phước, Mỹ Thuận, Mỹ Tú… Các mô hình này đang đem lại hiệu quả cho nông dân bởi tận dụng được thức ăn từ thiên nhiên, tạo việc làm cho nông dân những tháng nông nhàn và hạn chế mầm bệnh cho vụ sản lúa kế tiếp.

 

Hướng tới, địa phương đang vận động người dân đẩy mạnh thực hiện mô hình cá đăng quầng, cá lúa nhằm bảo vệ được nguồn lợi thủy sản và tăng thu nhập cho nông hộ.

 

Thực tế cho thấy mô hình sinh kế trong mùa nước nổi tại các huyện vùng trũng Sóc Trăng đang phát triển về quy mô, tính riêng tại huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm có gần 5.000ha thực hiện mô hình.

 

Ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng cho biết việc thực hiện mô hình sinh kế mùa nước nổi giúp tăng độ phì nhiêu cho đất (do phân cá tích lũy ở mặt ruộng) giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, góp phần hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.

Bình luận