Từ bỏ sản xuất manh mún, nông dân xứ Nghệ 'phất lên' nhờ ổi lê VietGAP, lúa hữu cơ

Bình luận · 220 Lượt xem

Không còn cảnh 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời', khắp đồng trên bãi dưới của huyện Yên Thành (Nghệ An) nay đã rền vang tiếng máy móc, nông dân nâng cao giá trị sản xuất nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, canh tác t

Cây ổi lê bén rễ trên vùng đất Quang Thành từ nhiều năm trước, nhưng chỉ thực sự được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng hàng hóa từ khoảng năm 2016. Đến nay, toàn xã đã có trên 30 ha trồng ổi, trong đó nhiều mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường, cho hiệu quả cao.

Sở hữu mô hình trồng ổi lê quy mô hơn 300 cây trên diện tích hơn 1 ha, gia đình ông Trần Đăng Đức, thành viên Tổ hợp tác trồng trọt xã Quang Thành, đang là một trong những hộ trồng ổi lê VietGAP lớn nhất tại địa phương.

Nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật mới, mô hình trồng ổi lê VietGAP của ông Đức liên tục cho kết quả cao. Với 300 gốc ổi, giá bán ổn định ở mức 30.000 - 32.000 đồng/kg, bình quân mỗi năm, gia đình thu về trên 100 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.

“Không chỉ cho giá trị kinh tế cao, nhờ sản xuất sạch, vườn ổi nhà tôi luôn có cảnh quan thoáng mát, sạch sẽ, môi trường trong lành. Tôi cùng các thành viên Tổ hợp tác đang hướng đến việc xây dựng mô hình kinh tế vườn kết hợp với du lịch sinh thái”, ông Đức nhấn mạnh.

Hiệu quả vượt trội đang giúp mô hình trồng ổi lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn xã Quang Thành. Cùng với sự gia tăng về diện tích, thương hiệu ổi lê Quang Thành cũng ngày càng được nâng lên. Nhờ chất lượng tốt, ổi lê của xã đang có giá trên 30.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định. Giá trị bình quân của mô hình trồng ổi lê đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Theo UBND xã Quang Thành, mô hình trồng ổi lê đang cho giá trị gấp 3 - 4 lần các loại cây ăn quả truyền thống. Nhờ sản xuất hữu cơ, các sản phẩm ổi tươi, nước ép từ ổi của các hộ dân trên địa bàn được thị trường đánh giá rất cao, không chỉ tại Nghệ An mà còn nhiều tỉnh, thành khác

Thời gian tới, để xây dựng thương hiệu, xã sẽ tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ổi lê Quang Thành, từ đó nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Không chỉ có cây ổi, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên địa bàn huyện Yên Thành đang góp phần hình thành hàng loạt mô hình có giá trị kinh tế cao, mở ra hướng làm giàu cho hàng trăm hộ dân.

Điển hình, phát huy tốt vai trò bệ đỡ kinh tế hộ, HTX nông nghiệp Quyết Tiến (xã Công Thành) đang là điểm tựa sản xuất sạch của hơn 90 thành viên, tổng diện tích canh tác trên 100ha lúa giống.

Cùng với đó, HTX cũng tổ chức liên kết hàng trăm hộ canh tác lúa trên địa bàn 6 xã ở trong và ngoài huyện để sản xuất 7.000 - 8.000 tấn thóc thương phẩm/năm, phục vụ chế biến, đóng gói, liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Sở hữu hơn 8 sào ruộng, ông Lê Minh Luân, hộ liên kết của HTX Quyết Tiến, cho hay vào HTX, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đạt chuẩn, cung cấp máy bơm để bơm nước từ nguồn về cung cấp cho lúa.

Đặc biệt, vào HTX, các hộ liên kết sẽ được tập huấn, cập nhật kỹ thuật mới, nắm vững quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Nếu trước đây tình trạng lạm dụng thuốc hóa học, phân bón khiến đất đai bị thoái hóa, bạc màu, thì nay chúng tôi sản xuất sạch, ưu tiên phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, từ đó tạo ra những sản phẩm sạch, giá trị canh tác cũng tăng 25 – 35%”, ông Luân hồ hởi nói.

Đáng chú ý, nhờ quá trình hiện đại hóa, nông dân Yên Thành đã tự tin hơn để xây dựng những cánh đồng tập trung sản xuất lúa giống với quy mô từ 30 -100 ha/vùng, những vùng cây ăn quả tập trung hàng chục ha…

Nhiều cánh đồng lớn sản xuất lúa, ngô đều áp dụng tiêu chí “bốn chung”: Chung đồng, chung giống, chung thời vụ, chung kỹ thuật, rất thuận lợi cho người nông dân. Máy móc kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giảm được chi phí đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế được nâng cao hơn từ 15 -25%.

Giải phóng được sức lao động, nâng cao thêm hiệu quả trên đơn vị diện tích, nông dân Yên Thành đã mạnh dạn “bắt tay” với nhiều HTX, doanh nghiệp trong liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Một số sản phẩm như cam, lúa… đã được liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ giúp người nông dân yên tâm hơn.

 

Bình luận