Theo các hạn chế mới được công bố ngày 20/10, Trung Quốc sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu hai loại than chì phải xin giấy phép, bao gồm vật liệu than chì tổng hợp có độ tinh khiết cao, độ cứng cao và cường độ cao, cùng loại than chì vảy tự nhiên và các sản phẩm của nó.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc việc đánh thuế đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, cho rằng họ được hưởng lợi không công bằng từ các khoản trợ cấp. Ngoài ra, chính phủ Mỹ vào đầu tuần này đã mở rộng các biện pháp hạn chế khả năng tiếp cận chất bán dẫn của các công ty Trung Quốc, bao gồm cả việc ngừng bán các chip trí tuệ nhân tạo tiên tiến do Nvidia sản xuất.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc áp dụng chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng than chì "nhằm đảm bảo an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu, đồng thời góp phần bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia". Việc điều chỉnh chính sách của Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ quốc gia hoặc khu vực cụ thể nào.
Than chì, một dạng kết tinh của các bon, là vật liệu chính ở phía cực dương của hầu hết các loại pin lithium-ion, loại pin này có thể chứa lượng than chì gấp khoảng 5 - 10 lần so với các vật liệu quan trọng khác như lithium. Khoảng 67% than chì tự nhiên được khai thác trên thế giới đến từ Trung Quốc. Nước này cũng tinh chế hơn 90% than chì trên thế giới thành vật liệu được sử dụng trong hầu hết các cực dương của pin xe điện.
Theo dữ liệu 9 tháng đầu năm 2023 do tờ Financial Times công bố, Mỹ là nước nhập khẩu nhiều than chì Trung Quốc nhất với giá trị kim ngạch là 745 triệu USD, tiếp sau là Hàn Quốc (589 triệu USD), Ba Lan (424 triệu USD), Nhật Bản (382 triệu USD). Việt Nam đứng thứ 7 trong danh sách này với kim ngạch nhập khẩu trị giá 286 triệu USD.
Lâm Hưng