Năm 2021, từ nguồn vốn vay 40 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (nguồn vốn áp dụng cho các hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn trên địa bàn xã bãi ngang), ông Nguyễn Văn Rê đầu tư vào sản xuất. Gia đình ông có 7 công đất giồng cát, qua các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Rê đã luân phiên trồng màu như đậu, dưa hấu… đặc biệt là củ sắn (ngoài Bắc gọi là củ đậu) mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Văn Rê thu hoạch củ sắn (củ đậu).
Năm nay, gia đình ông Rê trồng củ sắn trên 5 công đất, khoảng 4 tháng đã bắt đầu thu hoạch. Cách trồng của gia đình là liên tiếp xới đất cho tơi xốp, tạo giồng, gieo hạt, bón phân định kỳ hàng tháng. Vụ này, gia đình ông thu hoạch khoảng 30 tấn. Giá củ sắn dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước khoảng 3.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.
Ông Rê cho biết, trồng sắn năng suất khá cao, bình quân khoảng 5 - 6 tấn/công, cao gấp 4 - 5 lần so với các giống cây khác. Mỗi năm gia đình ông trồng khoảng 2 vụ sắn, còn lại là trồng xen các loại cây ngắn ngày khác.
Ước tính mỗi năm với 7 công đất giồng cát, gia đình thu hoạch khoảng 300 triệu đồng. Riêng củ sắn, hàng năm thu hoạch trên 60 tấn, lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
“Thu hoạch sắn xong, gia đình tôi tiếp tục cải tạo đất và xuống giống sắn vụ tiếp theo. Sắn dễ trồng, không kén đất, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc”, ông Rê cho biết thêm.
Qua 3 năm sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đến nay, ông Rê đã trả hết nợ và cất được ngôi nhà khang trang, đời sống ngày càng ổn định.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thừa Đức Nguyễn Thị Minh Thơ cho biết: Mặc dù hiện nay giá củ sắn thương phẩm chưa ổn định, có mùa giá cao, có mùa giá thấp, nhưng bà con xã Thừa Đức vẫn thích trồng sắn.
Điều đó cho thấy, đây là loại cây trồng mang lại thu nhập kinh tế khá cao cho nhà nông, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần vào sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Thừa Đức tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành và tranh thủ các nguồn vốn từ cấp trên để đề xuất hỗ trợ thêm nguồn vốn cho bà con nông dân tăng gia sản xuất trên nhiều lĩnh vực; đồng thời, tiếp tục vận động bà con mở rộng diện tích trồng xen các cây ngắn ngày có hiệu quả, đặc biệt là cây sắn.
Củ đậu hay còn được gọi bằng các tên khác như củ sắn, sắn nước… Củ đậu có hoa màu tím nhạt, cây có thể cao từ 4-5m, phần rễ phát triển to hình thành củ có vỏ màu vàng nhạt, mỏng còn ruột màu trắng kem. Vị của củ đậu ngọt nhẹ, giòn và nhiều nước; có thể ăn sống trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như: món xào, hầm canh, nấu súp, làm nộm...
Thành phần dinh dưỡng chính của củ đậu/củ sắn là nước (chiếm đến 80-90%); 4,51% đường glucoza, 2,4% tinh bột, các loại Vitamins (C,E,…) và muối khoáng khác như: Sắt, Canxi, Photpho, Kali, Selen và Beta-carotene…, đặc biệt củ sắn có nhiều chất xơ cần thiết cho cơ thể.