Tín hiệu lạc quan cho xuất khẩu thuỷ sản

Bình luận · 209 Lượt xem

Mặc dù còn một số khó khăn, nhưng các thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại.

Còn nhiều khó khăn

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chính có giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,26 tỉ USD, giảm 11,1%. Trong đó, thủy sản đạt 3,47 tỉ USD, giảm 25,9%;

Trong đó nhiều mặt hàng thủy sản giảm sâu như: xuất khẩu cá tra chỉ đạt 690 triệu USD, giảm 40,7%; xuất khẩu tôm đạt 1,22 tỉ USD, giảm 34,4%,

Về thị trường xuất khẩu, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Lý giải về điều này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, xuất khẩu thủy sản giảm do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển. Các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng. Nhiều quốc gia thực thi chính sách tăng cường bảo hộ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh sản xuất nông sản để chủ động nguồn cung khiến việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó có thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, những khó khăn này chỉ là trước mắt. Các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại. Trung Quốc đã mở cửa trở lại; xuất khẩu sang Nhật Bản, khu vực châu Á cũng có dấu hiệu đang tăng trở lại.

Ngành thủy sản lạc quan dù còn nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Ngành thuỷ sản lạc quan dù còn nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Tín hiệu lạc quan

Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) - cho biết, mặc dù ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành luôn nhận được sự quan tâm của Chính phủ.

Gần đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của EC, tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam. Tiếp tục tổ chức điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản làm cơ sở cho quản lý, phát triển thủy sản bền vững; tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng được yêu cầu chống khai thác IUU.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các chính sách về đất đai đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn, nhất là đối với các quy hoạch về đất đai, giao mặt nước, giao mặt biển...

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy chuẩn về nước thải chế biến thủy sản và nước thải ao nuôi thủy sản phù hợp với điều kiện, năng lực ngành thuỷ sản và tiệm cận quy định của quốc tế.

Để gỡ khó về tài chính, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tín dụng chủ động, hiệu quả, phù hợp để cung cấp vốn tín dụng; tiếp tục có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến thủy sản tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo cơ hội thúc đẩy sinh kế cho ngư dân.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi; nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp tục đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại. Hướng dẫn các cơ chế, quy định của luật pháp để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các cam kết quốc tế, phát triển sản xuất kinh doanh thuận lợi.

Bình luận