Ông Trần Tiến Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình cho hay, các cấp Hội đã tổ chức xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu và kết nối-tiêu thụ nông sản tại trung tâm thành phố Đồng Hới.
“Đây cũng là dịp tôn vinh, ghi nhận những thành tích, kết quả trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là dịp để nông dân có cơ hội học hỏi lẫn nhau, và kết nối tiêu thụ nông sản trong tỉnh, hướng tới giao lưu, trao đổi hàng hóa ra các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Trần Tiến Sỹ nhìn nhận và khẳng định.
Theo ông Nguyễn Nam Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Bình, những sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng là sản phẩm Ocop, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các địa phương trong tỉnh.
“Đây là những sản phẩm nông sản có chất lượng cao, sạch do các cá nhân, tổ chức, đơn vị sản xuất, là đặc trưng tiêu biểu ở các vùng miền nên rất thu hút khác hàng đến xem, mua về sử dụng”, ông Long cho hay.
Cũng theo ông Long, đã có trên 300 mặt hàng chủ yếu như nông sản, thực phẩm. Các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP có tem nhãn để truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đạt các tiêu chuẩn chất lượng và được thị trường đánh giá tốt.
“Chúng tôi tổ chức trưng bày, giới thiệu cũng nhằm động viên các địa phương phát triển thêm các sản phẩm nông sản tiêu biểu, sản phẩm tiềm năng ở địa phương mình”, ông Long chia sẻ.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm của huyện miền núi Tuyên Hóa cũng khá đông khách hàng và người xem quan tâm. Các sản phẩm đặc trưng của núi rừng đã được đưa đến giới thiệu cho người tiêu dùng ở thành phố.
Chị Nguyễn Thị Huệ, cán bộ đang phụ trách giới thiệu gian hàng cho hay, ở đây có các loại hàng chất lượng cao như gạo sạch Châu Hóa, Mai Hóa, mật ong rừng, rượu sim, măng tre… là đặc trưng của vùng miền núi.
Giới thiệu lô hàng là những trái bưởi chín vàng, căng mọng, chị Huệ cho biết huyện Tuyên Hóa đang xây dựng thương hiệu “Bưởi Tuyên Hóa” với vùng gò đồi giáp với tỉnh Hà Tĩnh. Bưởi ngọt thanh, thơm và được trồng chăm sóc theo quy trình VietGAP. Mọi người có thể dùng thử thoải mái trước khi mua đưa về nhà.
Bà Nguyễn Thị Liên (ở thành phố Đồng Hới), sau khi xem và nghe giới thiệu sản phẩm, đã chọn mua một bao (loại 3 kg) gạo Mai Hóa với giá 75 ngàn đồng và hơn chục trái bưởi (giá 25 ngàn đồng/quả).
Bà Liên cho hay: “Bưởi để cho các cháu dùng dần. Riêng gạo thì trưa nay nấu ăn thử, nếu cơm thơm dẻo thì từ nay gia đình tôi và các con sẽ mua về dùng hàng ngày thay thế cho các loại gạo nhập về giá cao hơn nhiều”.
Mang hơi thở của vùng bán sơn địa, huyện Bố Trạch đưa đến trưng bày, giới thiệu các sản phảm dòng dược liệu chăm sóc sức khỏe cho con người. Ngoài ra, các loại nấm thực phẩm, nấm dược liệu cao cấp cũng là thế mạnh của huyện Bố Trạch.
Ông Nguyễn Cẩm Long, trưởng phòng NN-PTNT Bố Trạch cho hay: “Chúng tôi đưa đến giới thiệu gần 50 sản phẩm Ocop với thế mạnh là dược liệu và hải sản. Có những sản phẩm dược liệu cao cấp đã được xuất khẩu như cao linh chi, cao thìa canh, trà uống linh chi, lá vằng… Tất cả đều được trồng và chế biến tại địa phương”.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu cũng là nơi nhiều người quan tâm. Chị Nguyễn Thị Giang, Giám đốc HTX dược liệu Cự Nẫm cho hay: “Qua hai ngày đầu, các sản phẩm của HTX chúng tôi như cao, trà cà gai leo, thìa canh, lá vằng…đã được người tiêu dùng mua nhiều. Những sản phảm này chúng tôi cũng đã liên kết với một số doanh nghiệp để xuất khẩu”.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Tiến Sỹ cho biết, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ có những hoạt động kết nối nông sản, trong đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu được thực hiện để hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất kinh doanh.
Tâm Phùng