Hy vọng vực lại vùng mía xứ Tuyên

Bình luận · 217 Lượt xem

Vụ ép 2023-2024, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương tăng giá thu mua mía nguyên liệu lên 1,3 triệu đồng/tấn, mở ra hy vọng khôi phục diện tích mía ở Tuyên Quang.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết, vụ ép mía năm nay, Công ty sẽ thực hiện điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu là 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 0,27 triệu đồng/tấn so với giá thu mua vụ ép trước. Với giá này, Công ty kỳ vọng nông dân trồng mía sẽ ổn định vùng mía nguyên liệu hiện có khoảng 1.900ha và hướng tới mục tiêu đạt 5.000ha.

 

Những năm gần đây, việc thu mua mía nguyên liệu giá thấp, có thời điểm chỉ đạt khoảng 850 nghìn đồng/tấn khiến nông dân ở Tuyên Quang không mặn mà với cây mía. Do đó, diện tích mía nguyên liệu đã giảm mạnh qua các năm, từ hơn 10.000ha - đảm bảo ổn định nguyên liệu cho 2 nhà máy, đến nay chỉ còn khoảng 1.900ha.

 

Đến vụ ép năm 2022 - 2023, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương đã điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu lên 1,03 triệu đồng/tấn, thực hiện thu mua kịp thời, thanh toàn dứt điểm cho bà con nên trong niên vụ 2023 - 2024 diện tích mía nguyên liệu đã dần ổn định và tăng nhẹ thêm khoảng 300ha. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với giai đoạn "hoàng kim" của cây mía đường ở Tuyên Quang.

 

Chị Đỗ Thị Thùy Vân - một hộ trồng mía ở thôn Đào Tiến (xã Hào Phú, huyện Sơn Dương) cho biết, việc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương điều chỉnh giá mía nguyên liệu là tín hiệu vui đối với nông dân. Trên thực tế, với mức giá 1,03 triệu đồng/tấn, nông dân đã tạm chấp nhận được. Vì vậy năm nay nhà máy mua mía cho bà con với giá 1,3 triệu đồng/tấn là điều rất đáng mừng. Vì vậy thời gian tới, chắc chắn nhiều hộ dân ở xã Hào Phú sẽ mở rộng diện tích mía nguyên liệu.

 

Riêng gia đình chị Vân hiện tại đang trồng 2ha mía và dự kiến đến khoảng cuối tháng 12/2023 sẽ cho thu hoạch, năng suất ước đạt 65 tấn/ha. Với việc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương điều chỉnh nâng giá thu mua mía lên mức 1,3 triệu đồng/tấn, chị Vân cho biết nếu trừ chi phí phân bón, công chăm sóc, thu hoạch..., chắc chắn gia đình chị sẽ lãi khoảng hơn 40 triệu đồng/ha.

 

Tại xã Tân Thanh (huyện Sơn Dương), hiện diện tích mía nguyên liệu chỉ còn khoảng 5ha. So với mấy năm trước, diện tích mía đã giảm tới 30 lần bởi giá thu mua xuống thấp kéo dài, trong khi đó nhiều cây trồng khác như cây gai xanh, cây thức ăn gia súc… đang cạnh tranh về hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Đây là rào cản lớn cho việc khôi phục vùng mía nguyên liệu.

 

Ông Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh cho biết, việc Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu lên 1,3 triệu đồng/tấn là tín hiệu vui cho những người trồng mía, mở ra cơ hội vực lại diện tích mía của địa phương. Tuy nhiên theo ông Vinh, phía công ty mía đường cũng cần có chính sách cam kết lâu dài trong liên kết sản xuất - thu mua nguyên liệu ổn định để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía.

 

Được biết bên cạnh việc tăng giá thu mua mía, Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng điều chỉnh hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích mở rộng vùng mía nguyên liệu như: Thực hiện thu mua ngọn mía giống với giá 1,43 triệu đồng/tấn; hỗ trợ đầu tư 45 triệu đồng/ha với diện tích mía nguyên liệu trồng mới và 25 triệu đồng/ha với diện tích mía nguyên liệu lưu gốc…

 

Chính sách ưu đãi là thế, tuy nhiên việc có mở rộng được diện tích mía nguyên liệu hay không thì vẫn còn ở phía trước. Bởi ngoài khó khăn trong việc lấy lại niềm tin của nông dân về chính sách ổn định, bền vững từ phía Công ty Cổ phần Mía đường Sơn Dương thì sự canh tranh về hiệu quả kinh tế/đơn vị diện tích của nhiều cây trồng với cây mía cũng đang là thách thức lớn cho ngành mía đường xứ Tuyên.

 

Hiện nay, nhiều diện tích trước kia trồng mía nay đã được nông dân ở Tuyên Quang chuyển sang trồng cây lâu năm như cây ăn quả, cây gỗ nguyên liệu có chu kỳ lâu năm. Một khó khăn khác khiến việc khôi phục vùng mía nguyên liệu đang gặp phải đó là tại nhiều vùng nông thôn ở Tuyên Quang thiếu lao động vì những người trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, nhà máy trong và ngoài tỉnh nên nhiều gia đình không còn mặn mà với cây mía.

 

Đào Thanh

 

 

Bình luận